Không nhất thiết phải thế. Nhưng muốn yên tâm thưởng thức món nướng thì cần phải nhớ một số “mánh” khi làm bếp để không tạo ra chất sinh ung thư. Cụ thể:
- Đừng đặt thịt quá sớm trên vỉ nướng lúc còn đang châm lò để tránh lượng khói đầy thán khí lúc than chưa bắt mồi lửa.
- Chỉ đặt thịt lên vỉ nướng khi than đã rực và mặt trên của than đã phủ một lớp mỏng tro trắng.
- Giữ một khoảng cách an toàn giữa thịt và than. Càng xa càng tốt, tất nhiên đừng quá xa khiến thịt nướng hoài mà vẫn không chín.
- Đừng đặt thịt ngay trên trung tâm ngọn lửa mà né qua một bên, để vẫn lấy được sức nóng nhưng mỡ khi rơi xuống không trúng ngay miếng than đang rực đỏ. Tránh lửa than chẳng hổ mặt nào. Đừng quên miếng thịt nằm giữa vỉ nướng chứa chất sinh ung thư cao gấp 50 lần so với khi được để ngoài rìa. Nóng ruột khi nướng thịt làm chi để rồi miếng ăn tuy có ngon nhưng lại sớm thành khách của bệnh viện ung bướu.
- Thay vì nướng trực tiếp trên lửa hồng, nếu lót thêm ở giữa bằng miếng ngói, thớt đá thì hay hơn nhiều nhưng đừng chọn chảo sắt, hay vỉ gang vì chỉ vô tình tiếp tay cho chất sinh ung thư. Nếu bọc thịt thì dùng lá chuối, lá lốt bao giờ cũng tốt hơn giấy bạc.
- Đừng nướng món đã xông khói như thịt cá xông khói, lạp xưởng..., vì muối nitrit trong các món này dễ biến thành nitrosamin là một chất sinh ung thư vào loại ác liệt.
- Đừng bao giờ thưởng thức món nướng mà quên ăn kèm các loại rau cải, trái cây chứa nhiều sinh tố A, C và E như cà rốt, ớt chuông, xà lách, nhất là cà chua. Lycopen, hoạt chất kháng ôxy hóa trong vỏ cà chua, chính là khắc tinh của chất sinh ung thư trong khói thịt nướng.
Khi bàn về chuyện ăn uống, chuyên gia ngành dinh dưỡng thường rất khó xử bởi đa số các món bị kết án là độc, là hại cho sức khỏe lại thường là món ngon, nhiều khi ngon đến độ khó bỏ. Món nướng là một thí dụ. Bỏ thì thương cho cái miệng thòm thèm, vương thì tội cho người... sợ bệnh. Cũng may là chuyện gì rồi cũng có giải pháp, đôi khi chỉ cần sửa nhẹ chút đã đủ chuyển ngược thế cờ.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)