Bộ Công an đề xuất CSGT không công khai 'chuyên đề', người dân giám sát thế nào?

12/04/2024 10:46 GMT+7

Bộ Công an đề xuất lực lượng công an không còn phải công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông. Việc này có ảnh hưởng đến giám sát của người dân?

Bộ Công an đang xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT).

Tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất lực lượng công an sẽ không còn phải công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên.

Bộ Công an đề xuất lực lượng công an sẽ không còn phải công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông

Bộ Công an đề xuất lực lượng công an sẽ không còn phải công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông

HOÀNG TUÂN

Nhiều bạn đọc băn khoăn rằng, nếu lực lượng công an nói chung, CSGT nói riêng không còn công khai "chuyên đề", người dân lấy gì giám sát, giám sát như thế nào để đảm bảo sự công khai, minh bạch?

Lý do Bộ Công an đề xuất bỏ công khai "chuyên đề"

Theo Bộ Công an, hiện nay, việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng CSGT có lúc còn chưa khách quan, đúng quy định; lợi dụng quyền giám sát để quay phim, chụp ảnh quá trình làm việc với CSGT và chia sẻ lên mạng xã hội. Điều này dẫn đến tư tưởng ngại va chạm, thiếu tinh thần trách nhiệm của một số CSGT trực tiếp làm nhiệm vụ và ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng.

Cạnh đó, việc công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính đang bị một số đối tượng lợi dụng để gây khó khăn cho lực lượng CSGT thực thi công vụ trên đường.

Một số CSGT chưa chịu khó học tập, nghiên cứu tài liệu, chưa nắm được pháp luật, nghiệp vụ, nên khi tiếp xúc thì giải thích chưa thỏa đáng những yêu cầu, hỏi đáp của người dân.

Thực tế trên là một trong số các lý do Bộ Công an cho rằng cần sửa đổi quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm TTATGT.

Tháng 8.2023, Bộ Công an ban hành Thông tư 32/2023 (có hiệu lực từ 15.9.2023), bãi bỏ quy định lực lượng CSGT phải thông báo công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát.

Đại diện Cục CSGT cho biết kế hoạch tuần tra, kiểm soát là mệnh lệnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, trong đó có nhiều nội dung nằm ngoài công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, điển hình như phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Những nội dung này cần giữ kín nhằm đảm bảo bí mật công tác, tránh việc tội phạm lợi dụng.

Người dân có quyền giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng CSGT theo quy định, tuy nhiên cần phân biệt giữa "kiểm tra" và "giám sát". Việc đề nghị CSGT phải cho xem chuyên đề, kế hoạch là không phù hợp; bởi yêu cầu này thuộc về cơ quan chức năng có thẩm quyền. Người dân có quyền giám sát, nắm bắt thông qua những biểu hiện ra bên ngoài, có thể thực hiện bằng việc quan sát trực tiếp, ghi âm, ghi hình (nhưng phải đúng quy định)...

Trở lại với dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ Công an cho hay, do Thông tư 32/2023 đã có hiệu lực thi hành nên thông tư mới phải điều chỉnh cho phù hợp, thống nhất quy định (về việc bãi bỏ công khai "chuyên đề").

Theo Bộ Công an, thực tế đang phát sinh nhiều bất cập, nên cần điều chỉnh quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm TTATGT

Theo Bộ Công an, thực tế đang phát sinh nhiều bất cập, nên cần điều chỉnh quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm TTATGT

HOÀNG TUÂN

Có ảnh hưởng đến quyền giám sát của người dân?

Luật sư Nguyễn Thị Thúy, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho rằng việc bãi bỏ quy định công khai "chuyên đề" sẽ không ảnh hưởng đến quyền giám sát của người dân đối với lực lượng công an nói chung và CSGT nói riêng.

Theo luật sư, tại Thông tư số 67/2019, Bộ Công an quy định người dân có quyền giám sát lực lượng công an trong công tác bảo đảm TTATGT. Việc giám sát có thể thực hiện bằng 5 hình thức.

Thứ nhất là giám sát thông qua các thông tin công khai của lực lượng công an và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thứ hai là giám sát thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.

Thứ ba là giám sát thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ. Thứ tư là giám sát thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Thứ năm là giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Đây cũng là một trong những hình thức được người dân thường xuyên sử dụng nhất.

Trong dự thảo thông tư đang lấy ý kiến, Bộ Công an chỉ đề xuất bãi bỏ việc công khai "chuyên đề", còn các nội dung khác liên quan việc giám sát của người dân vẫn được giữ nguyên.

Do đó, luật sư nhận định khi thông tư mới được ban hành, người dân vẫn có quyền giám sát đối với lực lượng CSGT như trước đây, bao gồm việc ghi âm, ghi hình.

Tuy vậy, luật sư cũng lưu ý, dù có quyền nhưng người dân cần thực hiện việc giám sát sao cho phù hợp, không làm ảnh hưởng đến quá trình thực thi nhiệm vụ của CSGT. Việc giám sát phải nằm ngoài khu vực kiểm soát của CSGT, không nên dí camera vào mặt lực lượng CSGT hoặc có lời lẽ không đúng chuẩn mực với người thi hành công vụ…

Thời điểm Thông tư 32/2023 có hiệu lực thi hành, đại diện Cục CSGT cũng khẳng định dù bãi bỏ quy định lực lượng CSGT phải thông báo công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát nhưng vẫn đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Theo đó, thông tư phân cấp rất rõ về tuyến địa bàn thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tương ứng với thẩm quyền của từng cấp, gồm Cục CSGT, phòng CSGT thuộc công an tỉnh và công an cấp huyện. Những nội dung này đều được công khai, mọi người dân có thể nắm được và giám sát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.