Bộ Công an đề xuất gắn thiết bị theo dõi với bị can được tại ngoại

19/07/2024 15:07 GMT+7

Bộ Công an đề xuất gắn thiết bị giám sát điện tử (vòng đeo tay hoặc đeo chân) để theo dõi đối với bị can, bị cáo được tại ngoại.

Bộ Công an đang xây dựng dự án luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú. Cơ quan này đề xuất nhiều quy định mới liên quan đến công tác quản lý đối với bị can, bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú (hay còn gọi là tại ngoại).

Bộ Công an đề xuất gắn thiết bị theo dõi với bị can được tại ngoại- Ảnh 1.

Cơ quan tố tụng tống đạt quyết định khởi tố đối với bị can

CACC


Được tại ngoại nhưng bỏ trốn

Theo quy định tại điều 123 bộ luật Tố tụng hình sự, cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng.

Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp này (thay vì tạm giam) phải làm giấy cam đoan, bảo đảm sự có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án. Trường hợp vi phạm sẽ bị chuyển sang biện pháp tạm giam.

Bộ Công an cho hay, từ năm 2018 - 2023, các cơ quan điều tra của ngành công an đã quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 210.579 đối tượng. Về cơ bản, các đối tượng này chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ theo quy định.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành quy định biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú còn phát sinh một số bất cập.

Do chưa áp dụng các ứng dụng khoa học, công nghệ, các cơ quan cũng không biết đối tượng được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đi đâu, làm gì để áp dụng các biện pháp quản lý.

Nhiều đối tượng bỏ trốn dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền phải ban hành quyết định truy nã do chưa có thiết bị giám sát đối tượng này nhằm phòng ngừa đối tượng bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội.

Thực tế trên đòi hỏi phải áp dụng các giải pháp kỹ thuật để quản lý chặt chẽ đối tượng bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, phòng ngừa tình trạng bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội.

Đeo vòng tay hoặc vòng chân để giám sát

Tại hồ sơ xây dựng luật, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

Đặc biệt, Bộ Công an đề xuất áp dụng biện pháp giám sát điện tử (vòng đeo tay hoặc đeo chân) để quản lý, giám sát chặt chẽ đối tượng. Biện pháp này nhằm theo dõi, quản lý di biến động của đối tượng; có thể nhận dạng từ xa, theo dõi vị trí của người đó và có một hệ thống tích hợp để giám sát việc tháo, mở thiết bị trái phép.

Theo Bộ Công an, việc gắn thiết bị giám sát điện tử đối với người được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ góp phần phòng ngừa các đối tượng này bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật; góp phần bảo đảm bình yên của xã hội.

Đây cũng là biện pháp đã được một số quốc gia trên thế giới áp dụng, như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan... Đoàn công tác của Bộ Công an đã trực tiếp làm việc tại Thái Lan, kết quả cho thấy sau khi áp dụng biện pháp đeo vòng giám sát, số đối tượng vi phạm rất ít, giảm chi phí so với quản lý tại trại giam.

Vẫn theo Bộ Công an, để triển khai chính sách trên, ngân sách sẽ chi trả kinh phí khi thực hiện việc đeo thiết bị giám sát điện tử đối với người chấp hành án tại cộng đồng.

Các chi phí này gồm: chi phí ban đầu khi mua thiết bị giám sát điện tử, chi phí xây dựng trung tâm quản lý giám sát điện tử, chi phí duy trì hoạt động của các thiết bị có liên quan.

Ngoài ra, chính sách mới còn làm phát sinh chi phí sửa đổi, bổ sung luật và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Tổng chi phí dự kiến là hơn 2 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.