Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu thẩm định dự thảo nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử. Dự thảo này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, nhằm quy định chi tiết một số nội dung tại luật Căn cước (thi hành từ 1.7), trong đó có căn cước điện tử.
Căn cước điện tử là gì, ai được cấp?
Theo quy định tại luật Căn cước, căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.
Mỗi công dân Việt Nam được cấp 1 căn cước điện tử. Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử, để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
Dự thảo do Bộ Công an soạn thảo nêu rõ, căn cước điện tử của công dân được cơ quan quản lý căn cước tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (trực tiếp đến trụ sở công an - PV).
Việc sử dụng căn cước điện tử thông qua truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
Đặc biệt, căn cước điện tử được lưu trữ vĩnh viễn trong hệ thống định danh và xác thực điện tử. Thông tin lịch sử về việc sử dụng căn cước điện tử được lưu trữ với thời hạn 5 năm kể từ thời điểm sử dụng.
Khi nào bị khóa căn cước điện tử?
Luật Căn cước quy định 5 trường hợp căn cước điện tử sẽ bị khóa gồm: khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa; khi người được cấp căn cước điện tử vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia; khi người được cấp căn cước điện tử bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước; khi người được cấp căn cước điện tử chết; khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.
Cụ thể về trình tự, thủ tục khóa, dự thảo của Bộ Công an quy định đối với 4 trường hợp đầu, hệ thống định danh và xác thực điện tử sẽ tự động ghi nhận, kiểm tra, xác thực và khóa căn cước điện tử. Việc ghi nhận được thực hiện thông qua việc công dân khai báo trên ứng dụng định danh quốc gia hoặc việc cập nhật thông tin vào hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền gửi văn bản đề nghị khóa căn cước điện tử đến công an cấp xã hoặc cơ quan quản lý căn cước công an cấp tỉnh, công an cấp huyện nơi gần nhất để tiếp nhận, xử lý.
Trong 1 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị khóa căn cước điện tử, nơi tiếp nhận phải chuyển đề nghị đến thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an.
Trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày nhận được đề xuất, thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an xem xét, phê duyệt, thông báo tới cơ quan đề nghị khóa căn cước điện tử và công dân.
Thủ tục mở khóa căn cước điện tử
Giống với việc khóa, luật Căn cước quy định 4 trường hợp mở khóa căn cước điện tử gồm: khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu mở khóa; đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia; được trả lại thẻ căn cước; hoặc khi cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan khác có thẩm quyền yêu cầu mở khóa.
Chi tiết về trình tự, thủ tục mở khóa, dự thảo do Bộ Công an xây dựng nêu rõ: hệ thống định danh và xác thực điện tử tự động rà soát, kiểm tra và mở khóa căn cước điện tử khi không còn căn cứ khóa căn cước điện tử.
Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan khác có thẩm quyền gửi văn bản đề nghị mở khóa căn cước điện tử tới đến công an cấp xã hoặc cơ quan quản lý căn cước công an cấp tỉnh, công an cấp huyện nơi gần nhất để tiếp nhận, xử lý.
Trong thời hạn 1 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị mở khóa căn cước điện tử, nơi tiếp nhận phải chuyển đề nghị đến thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an để xem xét, phê duyệt.
Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất, thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an xem xét, phê duyệt, thông báo tới cơ quan đề nghị mở khóa căn cước điện tử và công dân.
Bình luận (0)