Bộ Công an đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử. Nếu được thông qua, nghị định này có hiệu lực từ 1.7, cùng thời điểm với luật Căn cước, đồng thời thay thế cho Nghị định số 59/2022 quy định về cùng nội dung.
Căn cước điện tử là gì, ai được cấp?
Theo quy định tại luật Căn cước, căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.
Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
Bộ Công an đề xuất quy trình cấp căn cước điện tử
Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.
Cụ thể hóa quy định trên, tại dự thảo nghị định đang lấy ý kiến, Bộ Công an đề xuất công dân Việt Nam được cấp tài khoản định danh mức độ 1, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (căn cước điện tử).
Ngoài ra, người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam cũng được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1, tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Riêng cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam thì được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Quy trình đăng ký căn cước điện tử
Vẫn tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất quy định chi tiết về quy trình đăng ký căn cước điện tử đối với công dân Việt Nam.
Đối với trường hợp đã được cấp thẻ căn cước, công dân cần đến công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước để làm thủ tục cấp căn cước điện tử.
Tại đây, công dân xuất trình thẻ căn cước, cung cấp thông tin về số thuê bao di động đã đăng ký thông tin thuê bao hoặc địa chỉ thư điện tử (nếu có) và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào căn cước điện tử.
Tiếp đó, cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh khuôn mặt, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục (áp dụng đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên) để xác thực với cơ sở dữ liệu căn cước. Công dân ký, xác nhận việc đăng ký tạo lập căn cước điện tử.
Xem nhanh 12h ngày 17.1: Bộ Công an dự thảo quy trình xác nhận số CMND 9 số
Tiếp theo, cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử tiến hành kiểm tra, xác thực thông tin công dân đề nghị cấp căn cước điện tử và thông báo kết quả đăng ký cấp căn cước điện tử qua ứng dụng định danh quốc gia hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
Người đại diện, người giám hộ đã có căn cước điện tử đưa công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện đến cơ quan công an và sử dụng số điện thoại di động đã đăng ký thông tin thuê bao của mình để thực hiện đăng ký cấp căn cước điện tử cho công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện.
Đối với trường hợp chưa được cấp thẻ căn cước, dự thảo của Bộ Công an quy định công dân cần đến cơ quan công an nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước để làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại căn cước; cung cấp thông tin về số thuê bao di động đã đăng ký thông tin thuê bao, địa chỉ thư điện tử (nếu có) và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào căn cước điện tử. Các bước tiếp theo tương tự như trường hợp đã được cấp thẻ căn cước.
Bình luận (0)