Quốc hội vừa thông qua luật Căn cước, nhằm thay thế luật Căn cước công dân năm 2014. Luật Căn cước sẽ có hiệu lực thi hành kể từ 1.7.2024.
Bổ sung mống mắt vào Cơ sở dữ liệu căn cước
Điều 15 luật Căn cước quy định Cơ sở dữ liệu căn cước của công dân gồm nhiều trường thông tin. Trong số này có thông tin về nhân dạng; thông tin sinh trắc học (ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói); nghề nghiệp (trừ lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, cơ yếu)…
Riêng thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói sẽ có 2 hình thức thu thập. Một là khi người dân tự nguyện cung cấp. Hai là cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân, thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
Đổi tên thẻ căn cước, 83 triệu căn cước công dân gắn chip đã cấp có phải làm lại?
Quá trình thảo luận về dự án luật Căn cước, một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt giống như với thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói (tức là không bắt buộc - PV). Điều này sẽ đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện triển khai trong thực tiễn.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, khoa học hiện nay đã chứng minh: cùng với vân tay, mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất đối với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian.
Công nghệ nhận diện mống mắt (hay còn gọi là công nghệ cảm biến mống mắt) là phương pháp sử dụng thuật toán, hình ảnh để nhận dạng một người dựa vào cấu trúc các đường vân của mống mắt (nơi xác định màu mắt của con người), đã được ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực.
Công nghệ này có độ chính xác cao, đơn giản, dễ sử dụng, không cần thao tác phức tạp.
Hiện nay, nhiều quốc gia đã áp dụng công nghệ nêu trên để phục vụ nhận diện công dân, xác thực hộ chiếu, điền thông tin xác thực qua website...
Vì vậy, bên cạnh việc thu thập vân tay, luật Căn cước đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay (người khuyết tật, vân tay bị biến dạng…).
Không bắt buộc thu thập thông tin về nhóm máu
Theo điều 9 luật Căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ có 25 trường thông tin của công dân. Trong số này có số định danh cá nhân, họ tên, nơi sinh, số chứng minh nhân dân 9 số, số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử, nhóm máu…
Quá trình thảo luận về dự án luật, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc đưa thông tin nhóm máu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Lý do, đây là thông tin về bí mật đời tư của người dân và cũng không thống nhất với quy định tại luật Cư trú năm 2020 (không bắt buộc công dân phải cập nhật nhóm máu lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia).
Giải trình đối với băn khoăn nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, điều 9 luật Căn cước quy định về những trường thông tin cơ bản của công dân được thu thập, cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật.
Việc thu nhập, cập nhật bảo đảm chặt chẽ, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Trong số 25 trường thông tin đã nêu, chỉ có 7 trường thông tin cơ bản bắt buộc người dân phải cung cấp để tạo lập số định danh cá nhân (họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch). Những thông tin này giúp phân biệt người này với người khác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Riêng với thông tin về nhóm máu, luật Căn cước không quy định bắt buộc người dân phải cung cấp. Thông tin này được thu thập thông qua chia sẻ dữ liệu về y tế qua cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ công tác quản lý nhà nước và bảo đảm lợi ích của người dân, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, bảo vệ sức khỏe.
Xem nhanh 12h ngày 27.11: Quốc hội chính thức đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước
Mã QR trên thẻ căn cước có bị lộ, lọt thông tin?
Một số ý kiến còn đề nghị chỉ nên dùng chip điện tử, không dùng mã QR trên thẻ căn cước, vì mã QR tiềm ẩn nhiều nguy cơ, dễ bị đánh cắp thông tin, nhất là với người ít có điều kiện tiếp cận công nghệ hoặc thường xuyên sử dụng các dịch vụ tiện ích và giao dịch dân sự.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, mã QR trên thẻ căn cước chỉ cho phép khai thác những thông tin cơ bản đã in trên thẻ căn cước và thông tin về số chứng minh nhân dân 9 số đã được cấp trước đây của công dân, nhằm tạo điều kiện cho công dân khi thực hiện một số giao dịch có liên quan đến thông tin về chứng minh nhân dân 9 số.
Để bảo đảm tính bảo mật của thông tin, thẻ căn cước hiện nay được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ.
Chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ.
Một người muốn sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử thì phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập vào ứng dụng đọc, truy xuất dữ liệu. Nếu không có thao tác này, không ai có thể truy cập để lấy thông tin trong thẻ căn cước.
Bình luận (0)