Bộ Công an vừa công bố dự thảo hồ sơ xây dựng luật Dẫn độ. Luật này được tách một phần từ luật Tương trợ tư pháp năm 2007.
Khắc phục hạn chế về việc dẫn độ
Số liệu từ Bộ Công an cho thấy, từ năm 2008 đến nay, cơ quan này đã tiếp nhận và xử lý 41 yêu cầu dẫn độ do nước ngoài gửi đến, đồng thời đã lập và chuyển 95 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến nước ngoài.
Kết quả công tác dẫn độ góp phần giải quyết tốt các vụ án hình sự mà đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tuy vậy, ngoài kết quả đạt được, các quy định về dẫn độ đang bộc lộ nhiều hạn chế. Một số quy định tại luật Tương trợ tư pháp về dẫn độ chưa tương thích với pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc chưa được nội luật hóa.
Luật hiện hành cũng không có quy định về biện pháp "bắt khẩn cấp" trước khi nước yêu cầu đưa ra yêu cầu dẫn độ chính thức, trong khi theo thông lệ quốc tế và nhiều điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết có quy định này nhằm ngăn chặn ngay việc người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn.
Một số quy định của luật Tương trợ tư pháp còn chưa dự báo được hết các vấn đề có thể phát sinh như: trường hợp người bị dẫn độ là công dân Việt Nam bị nước ngoài yêu cầu dẫn độ để thi hành án, trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn khỏi Việt Nam trước khi có căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn…
Bộ Công an cho hay, nhiều quốc gia có xu hướng xây dựng luật riêng về dẫn độ để thuận lợi cho việc áp dụng. Liên Hiệp Quốc cũng đã thông qua luật mẫu về dẫn độ (năm 2004) để làm cơ sở cho các quốc gia tham khảo, xây dựng pháp luật trong nước.
Từ những căn cứ trên, việc xây dựng luật Dẫn độ là yêu cầu cấp thiết, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong hoạt động tương trợ tư pháp nói chung và luật Tương trợ tư pháp nói riêng.
Các trường hợp từ chối dẫn độ
Theo dự thảo luật Dẫn độ, Bộ Công an là Cơ quan T.Ư về hoạt động dẫn độ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Việc dẫn độ được thực hiện dựa trên 5 nguyên tắc. Một trong số này là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi; phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trường hợp Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về dẫn độ thì thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.
Dự thảo quy định về các trường hợp Việt Nam sẽ từ chối dẫn độ cho nước ngoài, gồm: người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam, hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc hết thời hiệu thi hành bản án đối với người bị yêu cầu dẫn độ theo quy định của pháp luật Việt Nam, người bị yêu cầu dẫn độ có khả năng bị truy bức, tra tấn ở nước yêu cầu dẫn độ…
Dự thảo luật cũng nêu rõ các trường hợp Việt Nam có thể từ chối dẫn độ cho nước ngoài, gồm: tội phạm bị yêu cầu dẫn độ là tội phạm liên quan đến chính trị, quân sự; người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ; khi có căn cứ cho rằng nước ngoài không thực hiện các yêu cầu dẫn độ của Việt Nam…
Vẫn theo dự thảo của Bộ Công an, nếu có căn cứ chắc chắn người bị yêu cầu dẫn độ thuộc trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ thì Cơ quan T.Ư của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ ra thông báo từ chối dẫn độ mà không cần tòa án nhân dân có thẩm quyền xem xét, thụ lý hồ sơ.
Cam kết không thi hành hình phạt tử hình
Một nội dung quan trọng khác tại dự thảo luật do Bộ Công an xây dựng, đó là trình tự, thủ tục đưa ra cam kết không thi hành hình phạt tử hình.
Theo đó, trường hợp nước ngoài yêu cầu, Cơ quan T.Ư về dẫn độ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan báo cáo Chủ tịch nước về việc xem xét, quyết định cam kết không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ trong từng trường hợp cụ thể.
Trên cơ sở quyết định của Chủ tịch nước, Cơ quan T.Ư sẽ đưa ra thông báo về nội dung cam kết không thi hành hình phạt tử hình theo quy định của điều ước quốc tế; Bộ Ngoại giao sẽ đưa ra thông báo về nội dung cam kết không thi hành hình phạt tử hình theo nguyên tắc có đi có lại.
Đối với trường hợp Việt Nam yêu cầu, Cơ quan T.Ư nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về dẫn độ sẽ đề nghị nước ngoài đưa ra cam kết không thi hành hình phạt tử hình.
Bình luận (0)