Bộ Công an đề xuất xây dựng luật Dữ liệu

05/07/2024 12:19 GMT+7

Bộ Công an vừa công bố dự thảo luật Dữ liệu để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và người dân. Dự thảo luật đề xuất nhiều chính sách mới liên quan đến dữ liệu và quản lý nhà nước về dữ liệu.

Nhiều hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật

Bộ Công an cho hay, hiện nhiều quốc gia đã có quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu; qua đó tạo cơ chế, chính sách để ứng dụng dữ liệu vào hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội.

Ở Việt Nam, các chính sách về xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu đã đạt được những kết quả tích cực. Điển hình như khởi tạo và hình thành được 7 cơ sở dữ liệu quốc gia, một số cơ sở dữ liệu đã có sự kết nối liên thông, góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính...

Bộ Công an đề xuất xây dựng luật Dữ liệu- Ảnh 1.

Bộ Công an đề xuất xây dựng luật Dữ liệu (ảnh minh họa)

T.N

Tuy nhiên, nhiều bộ, ngành không có hoặc có nhưng chưa đầy đủ hạ tầng để triển khai các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ các công tác nghiệp vụ. Nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa thống nhất về danh mục dữ liệu dùng chung gây khó khăn khi kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu.

Các trung tâm dữ liệu đầu tư thiếu đồng bộ, không đồng nhất về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không thường xuyên được kiểm tra, bảo trì, nâng cấp dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống. Nhiều hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật, không đủ điều kiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Vẫn theo Bộ Công an, hiện có 69 luật và hồ sơ đề nghị xây dựng luật có nội dung liên quan đến dữ liệu. Nhiều là vậy, nhưng tất cả các luật đều không quy định cụ thể hoặc thống nhất về việc xử lý, quản trị dữ liệu; chưa quy định về nền tảng phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý dữ liệu; chưa quy định sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu đang phát triển trên thế giới như sàn giao dịch dữ liệu, dịch vụ trung gian dữ liệu, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu…

Trong khi đó, việc thiết lập thị trường dữ liệu, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi số, tăng năng lực cạnh tranh.

Thực tiễn trên đòi hỏi phải xây dựng luật Dữ liệu, nhằm bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ về chuyển đổi số; tăng cường sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, vừa khai thác, ứng dụng để phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt quản lý dữ liệu để bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Đầu tư cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ tiết kiệm rất nhiều

Theo dự thảo của Bộ Công an, luật Dữ liệu được xây dựng gồm 7 chương, quy định về các nội dung: đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc chung, các hành vi bị nghiêm cấm.

Ngoài ra còn có xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; quỹ phát triển dữ liệu quốc gia; hợp tác quốc tế về dữ liệu.

Cùng đó là các chính sách về cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, trung tâm dữ liệu quốc gia, sản phẩm và dịch vụ về dữ liệu, quản lý nhà nước về dữ liệu...

Bộ Công an đề xuất xây dựng luật Dữ liệu- Ảnh 2.

Lực lượng công an làm thủ tục cấp căn cước công dân

T.N

Bộ Công an khẳng định, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới. Do vậy, việc định hướng xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia là rất cần thiết.

Cơ quan soạn thảo nhận định đầu tư, nâng cấp, mở rộng, lưu trữ thông tin trong cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ tiết kiệm rất nhiều so với việc đầu tư các hệ thống riêng biệt để lưu trữ các thông tin này.

Các thông tin được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia cũng sẽ được chia sẻ phục vụ để việc khai thác chung cho các bộ, ngành, địa phương; cơ quan quản lý dữ liệu không phải thiết lập thêm các kênh kết nối, chia sẻ riêng đối với các thông tin đã được bổ sung, lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.

Tương tự, trung tâm dữ liệu quốc gia khi đưa vào triển khai hoạt động sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình phát triển và đẩy mạnh khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm chiến lược phát triển kinh tế số, bảo đảm điều kiện cho Việt Nam phát triển và hòa nhập với nền kinh tế số của thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.