Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, vừa báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết 99 của Quốc hội về việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
12 tháng xảy ra hơn 1.700 vụ cháy
Theo báo cáo, từ 1.10.2021 đến 30.9.2022, toàn quốc xảy ra 1.748 vụ cháy khiến 105 người chết, 95 người bị thương, thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng và 125 ha rừng. Trong đó, 655 vụ cháy xảy ra tại nhà dân, 34 vụ xảy ra ở chung cư và 11 vụ cháy vũ trường, bar, karaoke.
Cũng trong thời gian này, toàn quốc đã xảy ra 20 vụ nổ, làm 13 người chết, 20 bị thương 20. Tài sản thiệt hại ước tính 5 tỉ đồng.
Lực lượng chức năng chữa cháy tại quán karaoke ISIS (Hà Nội) |
trần cường |
Các vụ cháy gây thiệt hại về người tập trung chủ yếu xảy ra trong khu dân cư, nhất là nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp kinh doanh, cơ sở tập trung đông người như karaoke, bar, vũ trường... như vụ cháy nhà ngày 21.4 tại Q.Đống Đa (Hà Nội) khiến 5 người tử vong, vụ cháy quán karaoke ISIS ngày 1.8 tại Q.Cầu Giấy (Hà Nội) khiến 3 cảnh sát phòng cháy chữa cháy hy sinh, vụ cháy quán karooke An Phú ngày 6.9 tại TP.Thuận An (Bình Dương) khiến 32 người chết.
Xử phạt hơn 200 tỉ đồng các cơ sở vi phạm phòng cháy chữa cháy
Qua rà soát, cả nước có 5.209 công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy chữa cháy được đưa vào sử dụng trước khi luật Phòng cháy chữa cháy năm 2001 có hiệu lực. Trong đó, các cơ quan chức năng đã yêu cầu khắc phục các hạn chế thiếu sót trong phòng cháy chữa cháy được 1.253 cơ sở, các cơ sở còn lại đã có kế hoạch và lộ trình khắc phục theo các giai đoạn.
Ngoài ra, cơ quan chức năng đã tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc đối với các cơ sở đông người, khu vực có nguy cơ cao về cháy, nổ nhất là quán karaoke, vũ trường, quán bar... Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy của một số công an địa phương để chấn chỉnh, xem xét trách nhiệm.
Trong 12 tháng qua, toàn quốc lập 13.357 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy. Trong đó, xử phạt 12.949 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy với tổng số tiền khoảng 200 tỉ đồng, tạm đình chỉ 1.276 cơ sở, đình chỉ hoạt động 1.096 cơ sở, khởi tố 7 vụ với 7 bị can.
Tính riêng năm 2021, Bộ Công an đã kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý vi phạm đối với 51 tập thể và 127 cá nhân trong lực lượng công an được giao phụ trách địa bàn, cơ sở xảy ra vi phạm về phòng cháy chữa cháy.
Nghiên cứu công nghệ tiên tiến để chữa cháy
Để hạn chế cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ, tăng cường công tác cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an cùng các bộ, ngành, địa phương đã nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào hoạt động phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Cụ thể, Bộ Công an đã xây dựng và hoàn thiện phần mềm Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy chữa cháy và truyền tin báo sự cố trực tuyến phục vụ công tác quản lý, thông tin, chỉ huy, điều hành chữa cháy và cứu nạn.
Bộ Công an cũng phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp trong nước nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Trong đó có việc nghiên cứu đưa máy bay không người lái phục vụ chữa đám cháy nhà siêu cao tầng; nghiên cứu chế tạo xe thang 32 m phục vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; nghiên cứu phát triển hệ thống phân tích, mô phỏng quá trình thoát nạn khi xảy ra cháy; nghiên cứu chế tạo bột chữa cháy tổng hợp, đạt hiệu quả cao; nghiên cứu chế tạo vật liệu chống cháy mới…
Bình luận (0)