Bộ Công an: Sau 3 tháng đã cấp 9,6 triệu thẻ căn cước

Mai Hà
Mai Hà
07/10/2024 17:53 GMT+7

Theo thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó chánh văn phòng Bộ Công an, sau 3 tháng đã cấp hơn 9,58 triệu thẻ căn cước; trong đó, có hơn 3,17 triệu thẻ cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Thông tin về kết quả bước đầu sau 3 tháng thực hiện luật Căn cước tại họp báo Chính phủ chiều 7.10, thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, để triển khai thực hiện luật Căn cước, Bộ Công an đã đẩy mạnh kết nối, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bộ Công an: Sau 3 tháng đã cấp 9,6 triệu thẻ căn cước- Ảnh 1.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó chánh văn phòng Bộ Công an

ẢNH: QUANG PHÚC

Chuẩn bị các điều kiện về phương tiện, giải pháp kỹ thuật để tổ chức triển khai việc thu nhận sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói; tích hợp, khai thác thông tin trong thẻ căn cước và căn cước điện tử...

Đồng thời, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đồng loạt ra quân, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm việc thu nhận hồ sơ, cấp thẻ căn cước, tài khoản định danh điện tử cho công dân...

Kết quả từ 1.7 - 7.10, đã cấp hơn 9,58 triệu thẻ căn cước. Trong đó, có hơn 3,17 triệu thẻ cho trẻ em dưới 6 tuổi; gần 4,03 triệu thẻ cho trẻ em từ đủ 6 đến 14 tuổi; hơn 2,38 triệu thẻ cho người từ đủ 14 tuổi. Toàn quốc đã thu nhận hơn 1.500 dữ liệu sinh trắc giọng nói và thu nhận hơn 260 mẫu ADN.

"Qua gần 3 tháng triển khai luật Căn cước, lực lượng công an đã nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của các cơ quan, ban, ngành, địa phương và nhân dân. Việc triển khai cơ bản thuận lợi, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả", người phát ngôn Bộ Công an cho hay.

Cụ ông 102 tuổi được công an đến tận nhà làm thẻ căn cước

Lập sàn giao dịch dữ liệu

Liên quan đến luật Dữ liệu đang được Bộ Công an xây dựng, theo thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, đây là luật mới, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu; cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam theo kịp các quốc gia trên thế giới, bảo đảm điều kiện cho Việt Nam phát triển và hòa nhập với nền kinh tế số của thế giới.

Đối với quy định về thành lập Sàn giao dịch dữ liệu, hiện nay, trên thế giới rất nhiều sản phẩm, dịch vụ như sàn giao dịch dữ liệu; dịch vụ trung gian dữ liệu; dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu... Tuy nhiên, ở nước ta chưa có quy định pháp luật điều chỉnh các hoạt động này để tạo cơ sở pháp lý nhằm thúc đẩy, phát triển các sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu, tạo lập thị trường dữ liệu.

Do vậy, dự thảo luật Dữ liệu bổ sung quy định về Sàn giao dịch dữ liệu để góp phần thiết lập thị trường dữ liệu, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành kinh tế, chuyển đổi phương thức giao tiếp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân và các quan hệ xã hội trên môi trường số...

Tuy nhiên, đây là những quy định mới, lần đầu tiên được quy định, cần cơ chế linh hoạt để kịp thời điều chỉnh khi cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9.2024, Chính phủ đã thống nhất xây dựng dự thảo luật theo hướng không quy định cụ thể nội dung này trong luật, mà đề nghị giao Chính phủ quy định lộ trình, giải pháp phát triển thị trường phù hợp với thực tiễn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.