Xã hội hóa đào tạo, sát hạch lái xe
Trong buổi thông tin báo chí về dự án luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Cục CSGT Bộ Công an cho biết, hiện nay, cả nước có 463 cơ sở đào tạo lái xe. Trong số này, 121 trung tâm sát hạch lái xe do các cơ quan nhà nước, các cá nhân, tổ chức đầu tư theo cơ chế xã hội hóa, hoạt động độc lập. Những trung tâm này tự chủ thu chi, tự quyết về nguồn nhân lực.
Đối với những cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe sử dụng nguồn kinh phí nhà nước, sắp tới, Bộ Công an sẽ tham mưu báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan để thực hiện triệt để xã hội hóa loại hình dịch vụ này.
Khi đó, các dữ liệu về đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe sẽ được công khai, thậm chí cả vấn đề tài chính của các cơ sở đào tạo.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT Bộ Công an, cho biết để xảy ra tai nạn giao thông, trách nhiệm chính là của tài xế, nhưng trung tâm và thậm chí cả giáo viên đào tạo ra tài xế đó cũng phải có trách nhiệm. Từ đó, việc đào tạo sẽ được nâng cao, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Theo đại tá Bình, khi tiếp nhận chuyển giao nhiệm vụ sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, toàn bộ hồ sơ của học viên, giáo viên, quá trình học, cấp bằng... sẽ được lưu trên hệ thống. Thậm chí, khi học viên tham gia giao thông mà vi phạm luật, gây tai nạn cũng sẽ được cập nhật, để từ đó đánh giá, phân cấp người đã đào tạo ra học viên vi phạm. Thậm chí, những giáo viên đào tạo ra nhiều tài xế vi phạm cũng sẽ bị thay thế.
“Tất cả trường hợp vi phạm giao thông quét vào mã QR sẽ ra dữ liệu từ học giáo viên, trung tâm nào. Chúng tôi sẽ sắp xếp giáo viên sát hạch theo rank (cấp - phóng viên), học viên của ai mà ra đường có bao nhiêu vi phạm, gây ra bao nhiêu vụ tai nạn sẽ được lưu vào ghi chú của giáo viên đó, xếp rank thấp, công khai trên hệ thống để người học sau có thể lựa chọn. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của người đào tạo”, đại tá Bình cho hay.
Người dân có thể chọn biển số theo sở thích
Theo luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, kho số của biển số xe do Bộ Công an đang sử dụng để đăng ký xe là tài sản công. Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định cấm mua, bán biển số xe. Tuy nhiên, trong dự thảo luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, quy định này đã được sửa đổi.
Theo đó, chỉ cấm mua, bán trái phép biển số xe; trường hợp mua biển số thông qua đấu giá là hợp pháp. Theo dự thảo luật này, cấp thông qua đấu giá là một trong các hình thức cấp biển số xe.
Các luật chuyên ngành đã cụ thể hóa việc đấu giá biển số xe, để biển số xe cơ giới sau đấu giá đảm bảo đầy đủ các quyền về tài sản gồm: quyền sử dụng, quyền chiếm hữu, quyền định đoạt.
Theo đại tá Bình, khi dự án luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua, việc đấu giá biển số xe sẽ sớm được triển khai, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân lựa chọn biển số xe cơ giới theo sở thích để đáp ứng tư tưởng trong sinh hoạt và kinh doanh.
Bình luận (0)