Bộ công cụ đá An Khê - nối thêm 30 vạn năm lịch sử Việt Nam

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
09/02/2023 07:31 GMT+7

Nhờ phát hiện bộ công cụ đá An Khê, thời điểm mở đầu lịch sử VN được xác nhận vào khoảng 80 vạn năm trước chứ không phải 50 vạn năm trước.

Những hiện vật chấn động

Tháng 3.2019, cả TX.An Khê (tỉnh Gia Lai) "nóng rực" vì Hội thảo khoa học quốc tế về kỹ nghệ đá cũ An Khê, do UBND tỉnh Gia Lai và Viện Hàn lâm KHXH VN, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga tổ chức. Ở đó, các nhà khảo cổ được chiêm ngưỡng hàng ngàn hiện vật đá có giá trị, được khai quật từ những địa tầng nguyên vẹn.

TS Nguyễn Gia Đối, khi đó là quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho biết những hiện vật như: công cụ đá ghè hai mặt, đặc biệt là rìu tay đều "mang những đặc trưng của rìu tay giai đoạn tối cổ của nhân loại". Giờ đây, bộ sưu tập công cụ sơ kỳ đá cũ An Khê đã được công nhận bảo vật quốc gia trong đợt công nhận năm 2022.

Bộ công cụ đá An Khê - nối thêm 30 vạn năm lịch sử Việt Nam  - Ảnh 1.

Rìu tay Rộc Gáo

Bảo tàng tỉnh Gia Lai cho biết, bộ sưu tập gồm 10 hiện vật. Chúng đều là hiện vật gốc, được tìm thấy trong các địa điểm khảo cổ học tiêu biểu của kỹ nghệ sơ kỳ đá cũ An Khê, trong thời gian 2014 - 2019. "Đây cũng là những chiếc rìu tay/công cụ ghè một mặt/ghè hai mặt nguyên vẹn, độc bản, không giống với bất kỳ công cụ nào do người nguyên thủy chế tác cách đây 80 vạn năm ở An Khê nói riêng và VN nói chung", tư liệu của bảo tàng này cho biết.

Nhóm các hiện vật này gồm: rìu tay Gò Đá; rìu tay Rộc Tưng; rìu tay Rộc Lớn; rìu tay Rộc Gáo; rìu ghè một mặt Rộc Lớn; mũi nhọn Rộc Tưng 1; mũi nhọn tam diện Rộc Tưng 10; mũi nhọn tam diện Rộc Hương; mũi nhọn tam diện Gò Đá; mũi nhọn tam diện Rộc Tưng 4.

Hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết, sưu tập 10 công cụ đá trên là hiện vật tiêu biểu của kỹ nghệ sơ kỳ đá cũ An Khê, nằm trong địa tầng có niên đại địa chất sơ kỳ Pleistocene và niên đại đồng vị phóng xạ trung bình là 80 vạn năm cách ngày nay.

Cũng theo hồ sơ, niên đại tuyệt đối của kỹ nghệ An Khê được xác định bằng phương pháp đồng vị phóng xạ Kalium - Argon (40K/40Ar) tại Phòng thí nghiệm đồng vị địa hóa học và địa thời học IGEM RAN - Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga. "Xét trên phương diện khảo cổ học và mỹ thuật học, những công cụ này đều được cư dân thời đại đá cũ dồn hết tâm sức, chế tác với kỹ thuật cao, tạo ra công cụ có hình dáng cân xứng, thể hiện trình độ tư duy, thẩm mỹ cao của con người cách đây 80 vạn năm", hồ sơ bảo vật nêu.

Cụ thể, những công cụ đã đạt đến đỉnh cao của kỹ thuật ghè hai mặt - một cách tân lớn trong kỹ nghệ chế tác công cụ đá; đồng thời thể hiện năng lực thích ứng thông minh của con người ở đây với môi trường giàu tre, nứa như VN. Các nhà khoa học thậm chí còn cho rằng: "Công cụ ghè một mặt/ghè hai mặt trong kỹ nghệ đá cũ An Khê cũng có những nét khác biệt, độc đáo đáng kể so với phần còn lại của khu vực Á - Âu, xứng đáng có mặt trong bản đồ phân bố kỹ nghệ ghè hai mặt sơ kỳ đá cũ thế giới".

Bộ công cụ đá An Khê - nối thêm 30 vạn năm lịch sử Việt Nam  - Ảnh 2.

Rìu tay Rộc Tưng

Tl bảo vật quốc gia của Cục Di sản văn hóa

Nối dài lịch sử

Theo hồ sơ bảo vật, sưu tập công cụ sơ kỳ đá cũ An Khê là bằng chứng sinh động về văn hóa của cộng đồng cư dân sơ kỳ đá cũ cách đây khoảng 80 vạn năm trên đất An Khê và cũng là mốc mở đầu của lịch sử VN.

"Lâu nay, thời điểm mở đầu lịch sử VN là 50 vạn năm với sự xuất hiện người đứng thẳng (Homo erectus) ở Thẩm Khuyên và Thẩm Hai (Lạng Sơn). Với phát hiện bộ rìu tay An Khê và niên đại ở 2 di tích Gò Đá và Rộc Tưng (đều ở TX.An Khê), giờ đây thời điểm mở đầu của lịch sử VN được xác nhận cổ hơn rất nhiều, vào khoảng 80 vạn năm cách ngày nay", hồ sơ cho biết.

Cũng theo hồ sơ: "Kỹ nghệ An Khê giờ đây được biết đến như là một trong những nơi lưu giữ dấu tích văn hóa của tổ tiên loài người - người đứng thẳng (Homo erectus)".

Bộ sưu tập này còn có ý nghĩa lớn hơn khi bác bỏ quan điểm của nhà nghiên cứu H.Movius đưa ra hơn 70 năm trước, theo đó ông chia lịch sử nhân loại thành 2 vùng Đông và Tây đối lập nhau. Ở phương Tây, phổ biến rìu tay có hình dáng cân đối, quy chuẩn, thể hiện cho sự tiến bộ, năng động; còn phương Đông tồn tại lâu dài kỹ nghệ cuội ghè đẽo chopper - chopping, thô sơ và phụ thuộc vào hình dáng tự nhiên của hòn cuội, thể hiện cho khu vực bảo thủ, trì trệ, lạc hậu và hầu như không có đóng góp gì cho sự tiến bộ của nhân loại.

Thêm vào đó, bộ sưu tập còn làm lung lay quan điểm về việc con người đã được hình thành thế nào. Trước đó, đa số ý kiến cho rằng, con người đầu tiên được hình thành ở châu Phi. Những người này đã di chuyển sang châu Âu, rồi châu Á, đem theo kỹ nghệ ghè hai mặt với những chiếc rìu tay cho vùng đất mới. "Việc phát hiện rìu tay rất sớm ở An Khê và một số nơi khác ở châu Á là cơ sở để xem xét lại giả thuyết trên, cũng như quá trình tiến hóa của nhân loại trong giai đoạn sơ kỳ đá cũ toàn cầu", hồ sơ bảo vật cho biết.

Hiện tại, UBND TX.An Khê đã đầu tư xây dựng nhà trưng bày cố định, một số nhà bảo vệ các di sản khảo cổ sau khai quật tại hiện trường, làm điểm tham quan, học tập, nghiên cứu lâu dài cho khách trong và ngoài nước.

 (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.