Chiều 11.8, Bộ Công thương thông tin, Bộ vừa nhận được phản ánh của Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ về việc hội người trồng tiêu tại các bang phía Nam Ấn Độ cho rằng, hàm lượng piperine có trong “hạt tiêu đen nhẹ” - light black pepper (mã HS 09041120) nhập khẩu từ Việt Nam không đáp ứng được tiêu chuẩn yêu cầu tại Thông báo số 21/2015-2020, ngày 25.7.2018 của Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ về việc điều chỉnh quy định về điều kiện nhập khẩu tiêu vào thị trường Ấn Độ.
Ngoài ra, một bài báo đăng trên trang The Hindu Business Line mới đây thông tin, Liên minh thương nhân, người trồng tiêu và gia vị Ấn Độ khu vực Kerala đã có văn bản gửi lên Chính phủ Ấn Độ và cho rằng: Hạt tiêu đen nhẹ của Việt Nam không đạt được hàm lượng tối thiểu 6% như tiêu chuẩn yêu cầu. Thứ hai, hạt tiêu của Việt Nam được gửi cho phòng thí nghiệm của Ban gia vị - cơ quan thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ để xét nghiệm đã bị tráo đổi.
Căn cứ những thông tin nêu trên, Ban gia vị, cơ quan thuộc Bộ Công thương Ấn Độ có khả năng sẽ tiến hành xem xét liệu hàm lượng piperine tối thiểu có trong hạt tiêu của Việt Nam có đáp ứng được mức 6% như tiêu chuẩn yêu cầu mà Tổng Cục Ngoại thương Ấn Độ đã đề ra trước đó hay không.
Bộ Công thương Việt Nam cho rằng, động thái này có thể sẽ ảnh hưởng đến uy tín của hạt tiêu Việt Nam nói chung, gây bất lợi doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu nói riêng. Hiện Bộ Công thương đang phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ để làm rõ thông tin và yêu cầu phía Ấn Độ không đưa ra các biện pháp chính sách bất lợi đối với hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hạt tiêu của hai nước.
Tuy nhiên, để giảm thiểu các rủi ro trong hoạt động kinh doanh với thị trường Ấn Độ, Bộ Công thương đề nghị các hiệp hội thông báo rộng rãi đến doanh nghiệp liên quan để nắm thông tin, kiểm soát chất lượng tiêu xuất khẩu và có biện pháp ứng phó trong trường hợp Ấn Độ đưa ra biện pháp chính sách đột ngột gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang Ấn Độ.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước xuất hẩu gần 167.000 tấn hạt tiêu với tổng trị giá gần 356 triệu USD, giá trung bình 2,133,7 USD/tấn, giảm 5,7% về lượng, giảm 21% về kim ngạch và giảm 16,6% về giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thị trường Ấn Độ chiếm 5% trong tổng lượng và kim ngạch, đạt 8.596 tấn, tương đương 18,75 triệu USD, giảm 37,8% về lượng và giảm 44,7% về kim ngạch, giá giảm 11%, đạt 2.181 USD/tấn. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu quá lớn, năm 2020 là một năm rất khó khăn cho ngành hồ tiêu. Trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu hạt tiêu số 1 thế giới, chiếm khoảng 85% sản lượng tiêu dành cho xuất khẩu, chỉ từ 10 – 15% dành cho tiêu thụ trong nước Sụt giảm mạnh về xuất khẩu gây thiệt hại không nhỏ đối với ngành hồ tiêu Việt Nam.
Bình luận (0)