Bộ Công thương giải thích về Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Nguyên Nga
Nguyên Nga
15/10/2024 09:42 GMT+7

"Do đó tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu đến tình hình kinh tế - xã hội không lớn, hầu như không phải dùng đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu", Bộ Công thương lý giải.

Bộ Công thương vừa có báo cáo về tình hình hoạt động thương mại tháng 9 năm nay. Trong đó, liên quan công tác quản lý mặt hàng xăng dầu, Bộ Công thương cho rằng, kể từ khi thực hiện điều hành giá xăng dầu rút xuống 7 ngày theo Nghị định số 80/2023, giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Cùng với đó, các loại chi phí kinh doanh xăng dầu được cập nhật kịp thời, đã tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng đầy đủ nhu cầu cho thị trường nội địa.

Với việc thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần như hiện nay, Bộ Công thương cho biết, mức biến động giá giữa hai lần điều chỉnh cơ bản không lớn, giá xăng dầu trong nước đã cơ bản bám sát diễn biến giá thế giới.

Thế nên, các doanh nghiệp đã chủ động tính toán được mức giá, lên kế hoạch nhập hàng theo phân giao tổng nguồn tối thiểu năm 2024 của Bộ Công thương, kế hoạch đăng ký theo từng quý, nguồn cung xăng dầu cơ bản được đảm bảo.

Bộ Công thương giải thích về Quỹ bình ổn giá xăng dầu- Ảnh 1.

Theo Bộ Công thương, giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Do đó, Bộ nhấn mạnh, tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu đến tình hình kinh tế - xã hội không lớn, hầu như không phải dùng đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.

Trước đó, Bộ Tài chính cho biết, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến cuối tháng 6 năm nay là 6.061 tỉ đồng. Gần 1 năm qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu không được chi sử dụng.

Năm 2024, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ Công thương cho biết đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu bảo đảm nguồn cung, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống. Chú trọng chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối hợp lý nhằm đảm bảo không bị gián đoạn việc cung ứng xăng dầu.

Theo báo cáo của 2 nhà máy và Tổng cục Hải quan, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu 8 tháng năm nay đạt khoảng 19,6 triệu m3/tấn các loại (nhập khẩu chiếm 42%, sản xuất trong nước chiếm 58%).

Theo báo cáo từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước thực hiện 8 tháng năm 2024 đạt 18,16 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, bằng 63,7% tổng nguồn tối thiểu Bộ Công thương phân giao, tương đương cùng kỳ năm ngoái.

Tiêu thụ xăng dầu trong 8 tháng đạt khoảng 18 triệu m3/tấn (bình quân tiêu thụ khoảng 2,25 triệu m3/tấn/tháng xăng dầu các loại), tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Tồn kho thời điểm 8 tháng năm 2024 khoảng 1,95 triệu m3/tấn, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.