Câu chuyện liên quan đến an toàn của các hồ thuỷ điện và xã lũ của các nhà máy thuỷ điện là nội dung được quan tâm nhất tại họp báo thường kỳ của Bộ Công thương chiều nay, 16.10.
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc kiểm tra an toàn hồ đập thuỷ điện, ông Tô Xuân Bảo, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, cho hay qua kiểm tra tại địa phương cùng với đoàn kiểm tra liên ngành, đánh giá lại cho thấy các hồ thủy điện đang vận hành trong cả nước đều đảm bảo an toàn theo quy định.
Liên quan đến nhiều quan ngại hồ thuỷ điện xả lũ tại khu vực miền Trung, ông Bảo cho biết nhiều hồ thủy điện có dung tích nhỏ, không có khả năng phòng lũ. Khi nước về qua đập tràn sẽ trực tiếp tràn xuống hạ du.
“Còn các hồ có dung tích lớn, có khả năng cắt lũ, việc chỉ đạo điều hành nằm trong điều hành liên hồ. Các hồ có dung tích phòng lũ thì nguyên tắc trong mùa lũ phải đưa lượng nước về mức đảm bảo phòng lũ, báo cho Ban phòng chống thiên tai tỉnh để duy trì mực nước đón lũ, làm chậm, giảm lũ về hạ du”, ông Bảo nói.
Ông Bảo cho biết thêm, khu vực miền Trung có địa hình dốc, mỏng, trong khi đa số là các hồ nhỏ, không có dung tích phòng lũ. Đợt mưa từ 5-12.10, tổng lượng mưa tại các tỉnh như Hà Tĩnh, Bình Định trên 500 mm, Quảng Trị có nơi 1.800 mm, Quảng Nam 1400 mm. Đặc biệt, Thừa Thiên - Huế có nơi lượng mưa đạt trên 2.000 mm. Chỉ trong hơn 1 tuần, lượng mưa ở Huế xấp xỉ bằng cả mùa mưa ở đây, gây ngập lụt nhiều vùng, thiệt hại nặng về tài sản, người.
“Chỉ một số hồ lớn như Sông Tranh, Quảng Trị, A Vương, có dung tích phòng lũ từ 30-150 triệu m3; được quy định mức đón lũ và các hồ này hiện đều duy trì mức đón lũ để làm chậm, giảm lũ hạ du”, ông Bảo nói.
Theo ông Bảo, trong các mùa lũ, Bộ đều có các văn bản chỉ đạo điều hành vận hành các hồ đúng quy định, thông báo tới hạ du, phối hợp với chính quyền địa phương để giảm thiểu tác động tới hạ du. “Thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát để chỉ đạo, ứng phó thiên tai để đảm bảo chủ động, lường được các tình huống có thể xảy ra. Bộ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ chứa để giám sát vận hành các hồ chứa thủy điện”, ông Bảo thông tin thêm.
Trả lời về vấn đề rà soát quy hoạch thuỷ điện nhỏ, ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho hay từ năm 2017 đến nay, không có dự án nào được bổ sung quy hoạch mà chiếm đất rừng tự nhiên.
“Đặc biệt, từ đó đến nay không bổ sung các dự án dưới 3 MW vào quy hoạch nữa. Ngoài ra, cảnh báo của Bộ TN-MT với các dự án thủy điện liên quan đến bồi lắng, dòng chảy… đều được Bộ Công thương lưu ý khi xem xét quy hoạch...”.
Theo ông Quân, nếu từ 2016 trở về trước, các dự án thuỷ điện chiếm đất từ 4-5ha/MW, thì hiện chỉ còn bình quân 1-2ha/MW.
Bình luận (0)