Bộ trưởng Bộ Công thương nêu quan điểm trên tại cuộc họp về đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước do Bộ này chủ trì chiều 28.4. Tham dự có các đại diện Bộ Tài chính, Ủy Ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...
Đánh giá về tình hình cung ứng xăng dầu thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu trong nước diễn ra khá ổn định, nguồn cung có lúc dồi dào, giá cả cơ bản bám sát giá thế giới. Tuy nhiên, ông nhận xét, nguồn cung trong nước vẫn bị ảnh hưởng bởi hoạt động của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gây ra các tình huống bị động.
Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần chỉ đạo các nhà máy lọc dầu chủ động trong mọi phương diện để đảm bảo hoạt động ổn định đủ nguồn cung ra thị trường trong nước theo cam kết. Trường hợp có sự cố phải báo trước hàng tháng; hỗ trợ bồi hoàn tránh thiệt hại cho các bên liên quan; khẩn trương làm việc với hai nhà máy lọc dầu để công bố, công khai kế hoạch và khả năng sản xuất, khả năng cung ứng cho doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối theo từng tháng, quý trong năm.
“Riêng đối với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Bộ trưởng đề nghị cần có thái độ cứng rắn và yêu cầu quyết liệt trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp, đảm bảo nguồn cung ổn định, thực hiện đúng cam kết và phải chịu trách nhiệm về vật chất thậm chí về pháp lý nếu vi phạm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước", Bộ trưởng nêu quan điểm.
Về nguồn cung từ nước ngoài, một số doanh nghiệp đầu mối vẫn chưa thực hiện đủ số lượng phân giao, chưa làm tròn bổn phận với hệ thống phân phối của mình, cũng như chưa nêu bật được vai trò và hoạt động của mình đối với xã hội dẫn đến những thông tin sai lệch không đáng có.
Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đầu mối thực hiện nghiêm tổng nguồn tối thiểu đã được phân giao tối thiểu; chủ động nguồn hàng trong mọi tình huống (cả nguồn trong nước và nhập khẩu); tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung trong toàn hệ thống. Trong mọi tình huống phải duy trì hoạt động bán hàng cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp; chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho khách hàng một cách hợp lý; doanh nghiệp đầu mối cần có cam kết chặt chẽ với các thương nhân sản xuất xăng dầu, cần chú ý chế tài xử lý khi một trong các bên vi phạm...
Cuối cùng, các doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các số liệu, dữ liệu cho các cơ quan chức năng (Bộ Tài chính - Bộ Công thương) để có cơ sở cập nhật chính xác giá cơ sở bán lẻ kinh doanh xăng dầu. Bộ Công thương cũng lưu ý, các doanh nghiệp đầu mối nên ngồi lại với thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ để có được tiếng nói chung và hài hòa về lợi ích.
Bình luận (0)