Bỏ cước chuyển vùng quốc tế, Viettel dẫn đầu tạo ‘cước phẳng’

01/04/2018 13:20 GMT+7

Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS) đã diễn ra vào chiều 30.3.

Trong khuôn khổ các phiên họp đối thoại chính sách của hội nghị đã có các phiên thảo luận chuyên đề với 3 chủ đề chính: Phát triển cơ sở hạ tầng và tài chính cho cơ sở hạ tầng; Ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp khu vực GMS; GMS và thương mại toàn cầu.
Chung tay tạo khu vực kết nối phẳng
Tại phiên thảo luận chuyên đề phát triển cơ sở hạ tầng và tài chính cho cơ sở hạ tầng, các đại biểu tập trung giải quyết những câu hỏi đặt ra như: Chính phủ cần làm gì để khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng? Cơ chế tài chính khả thi cho các dự án hạ tầng?...
Tham dự phiên thảo luận, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Viettel (Viettel) Lê Đăng Dũng đã có bài trình bày trong đó nhấn mạnh viễn thông có tầm quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Ông Dũng cho biết Viettel đã tạo ra một cuộc cách mạng về giá cước viễn thông quốc tế khi khách hàng Viettel tại 3 nước Đông Dương liên lạc với nhau có mức cước chuyển vùng quốc tế (roaming) tương đương mức cước trong nước. Viettel sắp tới sẽ có giá cước roaming Myanmar tới 3 nước Campuchia, Lào và Việt Nam tương đương mức cước nội địa. Ông Lê Đăng Dũng hi vọng, tại hội nghị thượng đỉnh GM6 lần này, lãnh đạo các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong sẽ cùng hướng tới một khu vực “kết nối phẳng” về viễn thông, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế của toàn vùng.
Viettel "châm ngòi"
Năm 2013, Bộ trưởng Công nghệ thông thông tin và Truyền thông các nước ASEAN bắt đầu thảo luận về chính sách miễn cước roaming trong khu vực. Bộ trưởng Công nghệ thông thông tin và Truyền thông Indonesia Tifatul Sembiring nói rằng: “Mục tiêu là công dân ASEAN không cần phải trả phí chuyển vùng”. Theo Bộ trưởng, chính sách sẽ làm lợi cho người dân ASEAN nhờ chi phí liên lạc rẻ.
Tuy nhiên, ý tưởng “chưa có tiền lệ trên thế giới” được ông Markus Steingrover - Giám đốc hãng nghiên cứu Detecon châu Á - Thái Bình Dương nhìn nhận là “quá tham vọng” và ngay cả châu Âu cũng chỉ dừng ở mức đàm phán. Các nhà phân tích cho rằng việc bỏ cước roaming có thể làm sụt giảm doanh thu mạnh cho các nhà mạng. Đây được xem là lực cản lớn nhất.
Đại diện Viettel cho biết tính đến thời điểm này, chưa có khối kinh tế nào tiến hành bỏ cước roaming. Và từ ngày 1.1.2017, Viettel là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên trên thế giới áp dụng cho khách hàng mức cước liên lạc gồm cuộc gọi, tin nhắn và lướt web giữa mạng Viettel (Việt Nam) - Metfone (Campuchia) - Unitel (Lào) như mức cước trong nước. Với cách tính mới này, khách hàng của Viettel khi thực hiện liên lạc trong khu vực Đông Dương sẽ giảm hơn 13 lần giá cước cuộc gọi quốc tế trong khu vực, giảm 160 lần giá cước data, cước tin nhắn giảm gần 10 lần.
Trước đó, tại Hội nghị 3 nước đang phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao đề xuất này bỏ cước roaming trong khu vực 3 nước Đông Dương của Viettel.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho rằng Viettel đã có đóng góp rất lớn vào hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin của 3 nước là Việt Nam - Lào và Campuchia, trong đó có việc thực hiện chính sách bỏ cước roaming ở 3 nước Đông Dương. Từ đó, người dân, doanh nghiệp của 3 nước được sử dụng dịch vụ tốt, giá rẻ và góp phần giảm chi phí đầu vào của sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Phạm Tất Thắng đánh giá chính sách đưa cước chuyển vùng quốc tế giữa 3 nhà mạng do Viettel đầu tư tại 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia về ngang bằng với cước gọi nội địa đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy việc giao lưu kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch… ở 3 nước Đông Dương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.