Bí ẩn những kiệt tác bảo vật quốc gia: Bộ đĩa vàng hình hoa sen ẩn dật nửa thế kỷ

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
18/02/2021 06:41 GMT+7

Bộ đĩa vàng hình hoa sen Cộng Vũ cho thấy tài khéo của người thợ xưa, cũng như thẩm mỹ tuyệt vời thời Lý.

Món quà từ công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải

Một bộ 5 chiếc đĩa vàng chồng xếp lên nhau, lòng đĩa úp xuống, đã xuất lộ trong cuộc khai quật để làm công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải năm 1965. Do tìm thấy ở thôn Cộng Vũ nên sau này nhóm hiện vật còn có tên bộ đĩa vàng Cộng Vũ. “Sau khi phát hiện số hiện vật trên, đội thủy lợi đã đưa về nhà ông Trần Kim Hốt trong thôn Cộng Vũ cất giữ. Đây là nơi đội thủy lợi ở trọ để làm công trình. Sau đó, bộ đĩa được đưa về bảo quản tại kho của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hưng Yên rồi bàn giao cho Kho bạc Nhà nước tỉnh Hưng Yên giữ. Những chiếc đĩa quý cứ ẩn dật trong kho như thế mấy chục năm rồi”, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho hay.
Mười năm sau khi xuất lộ, Hội đồng giám định Ngân hàng Nhà nước đưa ra kết quả giám định về bộ sưu tập đĩa này, cho thấy cổ vật được chế tạo bằng vàng tốt cùng một ít kim loại khác để gia tăng độ cứng. Bộ sưu tập gồm 5 chiếc đĩa vàng và 1 cục vàng nhỏ. Đĩa được tạo dáng tương tự nhau, như những đóa sen đang độ nở rộ. Trong đó, 1 chiếc có 29 cánh, 3 chiếc 20 cánh và 1 chiếc 16 cánh. Vai và đầu cánh sen lượn tròn tạo vẻ mềm mại, thanh thoát. Đài sen chính là lòng đĩa có trang trí họa tiết hoa văn hình chim phượng, cúc dây, hoa mẫu đơn...
Theo Sở VH-TT-DL Hưng Yên, dựa vào dấu vết kỹ thuật, nhất là độ mỏng của vàng có thể cho rằng các hiện vật được chế tác bằng kỹ thuật đúc. Trong khi đó, nhiều nghệ nhân chế tác vàng lâu đời lại cho rằng bộ sưu tập được làm bằng kỹ thuật dát mỏng, gò trên khuôn tạo dáng, chân đế tạo rời sau đó hàn liền với phần thân đĩa. Ảnh chụp độ phân giải cao cũng cho thấy dấu vết gò, hàn để ghép chân đế với thân đĩa.
Họa tiết hoa văn trang trí, đặc biệt là hoa văn hình chim phượng đứng trên hoa sen, đều được chạm khắc thủ công công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết, mang đặc trưng mỹ thuật thời Lý sau khi dáng đĩa đã định hình. Hoa văn hình hoa cúc dây được thể hiện với sự cách điệu cao độ, uốn lượn mềm mại vô cùng sinh động. Hồ sơ bảo vật quốc gia phỏng đoán đây là sản phẩm của nghệ nhân cao cấp trong các xưởng thợ do triều đình thành lập.
Bộ đĩa vàng hình hoa sen ẩn dật nửa thế kỷ1

Bộ đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ khi chồng lên nhau

Vật gia bảo của đệ nhất cung tần

Trong bộ sưu tập, đĩa số 5 có hoa văn trung tâm là đôi phượng lượn ngược chiều nhau thành một hình tròn quanh lòng đĩa. Cổ phượng cao, ngực ưỡn, cánh xòe, mình thon lẳn, đầu chầu vào trung tâm. Chân phượng đứng trên hoa sen với những móng sắc nhọn, khuỷu chân có cụm lông dài, mềm mại bay ra phía sau. Đặc biệt và độc đáo hơn cả là phần đuôi chim phượng to, dài gồm các tua lông kết thành chùm cuộn sóng nhiều lớp như thân rồng cùng thời.
“Hoa văn hình chim phượng trên đĩa vàng có nhiều đặc điểm tương đồng với hình chim phượng thời Lý được chạm khắc trên các thành bậc cửa chùa Hương Lãng ở Hưng Yên và chùa Bà Tấm ở Hà Nội”, Hồ sơ bảo vật quốc gia phân tích. Chính hình dáng và các họa tiết hoa văn này khiến các nhà nghiên cứu cho rằng bộ đĩa có niên đại thế kỷ 11 - 12 (thời Lý), dù chúng không mang minh văn ghi niên đại.
Theo hồ sơ của Sở VH-TT-DL Hưng Yên, cũng gần vị trí đào được bộ sưu tập có phủ thờ bà chúa Mụa, tức bà Trần Thị Ngọc Am, đệ nhất cung tần của chúa Trịnh Tráng. Một chiếc đĩa trong bộ có khắc dòng chữ “Thụy Minh công chúa kim giao lai trọng bát tinh”. Nhà nghiên cứu Trần Khoa Trinh năm 1966 dịch là “Vàng của công chúa Thụy Minh biếu lại, nặng tám hoa”. Chính vì thế, Hồ sơ bảo vật quốc gia cho rằng những đĩa vàng này có thể liên quan đến bà chúa Mụa, cũng là vật gia bảo còn giữ lại. Sau này, khi công chúa Thụy Minh (một trong những người con của bà và chúa Trịnh Tráng) được làm của riêng đã đem hiến vào chùa.
Tại các di tích khảo cổ học Việt Nam, số lần phát hiện hiện vật vàng chỉ đếm trên đầu ngón tay như lá vàng nhỏ mỏng in hình rồng thời Lý phát hiện năm 2003 tại Hoàng thành Thăng Long, hộp vàng hoa sen tại Đông Triều (2012)… Vì thế, lần công nhận bảo vật quốc gia cho bộ sưu tập đĩa vàng Cộng Vũ đặt ra một vấn đề mới. Đó là liệu người dân có cơ hội để chiêm ngưỡng các hiện vật này hay không, hay sau khi công nhận, bộ sưu tập đĩa vàng lại ngay lập tức quay trở lại kho của Kho bạc Nhà nước tỉnh Hưng Yên. Về điều này, Th.S Phạm Đình Phong, Phó cục trưởng Cục Di sản, cho biết: “Chúng tôi cũng rất mong các hiện vật này phát huy được giá trị. Muốn trưng bày, chúng ta cũng phải có được đủ điều kiện an toàn cho hiện vật”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.