Bỏ điện than là điều cần làm, không phải chọn lựa

28/03/2024 20:36 GMT+7

Các nhà máy nhiệt điện than phải chuyển đổi sang nhiên liệu xanh, tiến tới loại bỏ dần điện than là điều cần phải làm chứ không phải là lựa chọn để giảm lượng phát thải cacbon cho nền kinh tế Việt Nam.

Đó là chia sẻ từ bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của Chương trình phát triển của Liên Hiệp  (UNDP) tại Việt Nam trong hội thảo đánh giá các kịch bản đưa nhiệt điện than về mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Hội thảo diễn ra ngày 28.3, tại Hà Nội.

Bỏ điện than là điều cần làm, không phải chọn lựa- Ảnh 1.

Nhà máy nhiệt điện Phả Lại nằm trong số những nhà máy trên 40 năm phải chuyển đổi nhiên liệu xanh

CTV

Xây dựng lộ trình chuyển đổi cụ thể

Hội thảo do UNDP chủ trì tổ chức nhằm cung cấp thông tin cập nhật về chính sách và công nghệ trong quá trình chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than, kinh nghiệm quốc tế có thể nghiên cứu, ứng dụng triển khai ở Việt Nam.

Trong Quy hoạch điện 8 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lộ trình chuyển đổi nhiên liệu ở các nhà máy nhiệt điện than được xác định, sau năm 2030 sẽ không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới. 

Định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp; dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu. 

Định hướng năm 2050, Việt Nam không còn sử dụng than để phát điện, chuyển hoàn toàn sang nhiên liệu sinh khối và amoniac.

Theo các chuyên gia năng lượng, định hướng chuyển đổi nhiệt điện than trong Quy hoạch điện 8 là phù hợp với các cam kết của Việt Nam và xu hướng của thế giới. Để triển khai đúng theo lộ trình, các nhà máy nhiệt điện than sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức tiếp cận công nghệ, kỹ thuật; cần nguồn tài chính rất lớn trong khi chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi; khả năng tiếp cận và đảm bảo nguồn nguyên liệu...

Các chuyên gia cũng kiến nghị, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than. Cụ thể, lộ trình chuyển đổi bao gồm: danh mục các nhà máy cần chuyển đổi, phương án và thời gian chuyển đổi, nhu cầu tài chính, phương án xử lý nhân sự và tác động môi trường, các vấn đề cần đàm phán về đóng cửa và chuyển mục đích sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện than cũ, kém hiệu quả.

Sẽ ảnh hưởng đến hơn 100.000 lao động

Tại hội thảo, UNDP chia sẻ kết quả nghiên cứu chuyển đổi khả thi cho các nhà máy nhiệt điện than lớn tại Việt Nam như: Phả Lại, Cao Ngạn và Vân Phong. Trong đó có đánh giá tác động, chi phí và lợi ích của các phương án chuyển đổi năng lượng sang đồng đốt sinh khối, chuyển đổi sang điện khí LNG và tích hợp các nguồn tài nguyên tái tạo đã được đánh giá cùng với công nghệ tiên tiến, như hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS); thu hồi, sử dụng và lưu trữ cacbon (CCUS).

Bỏ điện than là điều cần làm, không phải chọn lựa- Ảnh 2.

Hội thảo chuyển đổi nhiệt điện than thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia năng lượng trong nước và nước ngoài

P.H

Đáng lưu ý, các nghiên cứu được công bố tại hội thảo ước tính, quá trình chuyển đổi nhiên liệu, ngừng sử dụng than ở các nhà máy nhiệt điện ảnh hưởng đến hơn 100.000 lao động đang làm việc trong ngành công nghiệp này, gồm công nhân lao động trực tiếp hoặc gián tiếp trong hoạt động khai thác than, vận tải và sản xuất điện.

Theo đó, UNDP đưa ra khuyến nghị cung cấp các hỗ trợ về đào tạo lại, tái đào tạo kỹ năng cho những người lao động và cộng đồng bị ảnh hưởng, đảm bảo cho họ được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi này.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP Việt Nam cho rằng, sự phụ thuộc vào sản xuất điện than đang đặt ra những thách thức đáng kể đối với sự phát triển bền vững và an ninh năng lượng. 

"Việc loại bỏ dần điện than là điều cần phải làm chứ không phải một lựa chọn để giảm lượng phát thải cabon cho nền kinh tế Việt Nam và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0", bà Ramla Khalidi nói.












Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.