Bộ GD-ĐT đề xuất phương án tăng học phí nhưng tránh gây sốc

Quý Hiên
Quý Hiên
12/05/2023 06:05 GMT+7

Theo Bộ GD-ĐT, nếu năm học 2023 - 2024 thực hiện lộ trình tăng học phí như Nghị định 81 thì mức tăng sẽ gây sốc nên đề nghị Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Nghị định 81 theo hướng lùi lộ trình lại 1 năm để mức tăng hợp lý.

Chiều 10.5, tại trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã họp, nghe Bộ GD-ĐT báo cáo về vấn đề học phí (HP) và sách giáo khoa (SGK) năm học 2023 - 2024.

Về vấn đề HP, Bộ GD-ĐT đề xuất từ năm học này, các cơ sở giáo dục (GD) công lập thực hiện theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP (sau đây viết tắt là NĐ 81) mà Chính phủ ban hành tháng 8.2021, quy định về cơ chế thu, quản lý HP đối với cơ sở GD thuộc hệ thống GD quốc dân và chính sách miễn, giảm HP, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đề nghị Chính phủ điều chỉnh, bổ sung NĐ 81 theo hướng lùi lộ trình lại 1 năm để mức tăng hợp lý, tránh gây sốc.

Bộ GD-ĐT đề xuất phương án tăng học phí nhưng tránh gây sốc - Ảnh 1.

Bộ GD-ĐT đề xuất năm học 2023 - 2024 thực hiện lộ trình tăng học phí nhưng ở mức tăng hợp lý

ĐÀO NGỌC THẠCH

SẼ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ ĐỊNH 81 KỊP THỜI TRƯỚC NĂM HỌC MỚI

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã yêu cầu các cơ sở GD công lập giữ ổn định HP trong 3 năm học liên tiếp (từ năm học 2020 - 2021 đến năm học 2022 - 2023), mặc dù NĐ 81 cho phép từ năm 2022 - 2023, các cơ sở GD công lập được tăng HP theo lộ trình. Việc này đã gây khó khăn cho các cơ sở GD trong cân đối nguồn lực để nâng cao chất lượng GD, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện đầu tư hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hàng năm. Trong đó, khối GD ĐH công lập là những cơ sở chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

"Nguồn thu HP chiếm tỷ trọng 80% tổng nguồn thu của trường ĐH, khả năng khai thác các nguồn thu khác rất hạn chế, vì hoạt động chính của các trường là đào tạo. Việc hợp tác, chuyển giao công nghệ còn chậm triển khai do hành lang pháp lý để liên doanh, liên kết giữa cơ sở GD ĐH và doanh nghiệp chưa đầy đủ. Vì vậy, nhu cầu được áp dụng thu HP theo lộ trình quy định tại NĐ 81 của các cơ sở GD là cần thiết, để bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện lộ trình tự chủ", Bộ GD-ĐT giải thích.

Đầu tháng 7 tới, HĐND các địa phương sẽ thông qua mức HP cho năm học mới. Đối với GD ĐH, các trường phải quyết định mức thu HP, thông báo trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển. Để kịp thời tham mưu cho Chính phủ về lộ trình HP chuẩn bị cho năm học mới, ngày 11.4, Bộ GD-ĐT đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về lộ trình HP hiện nay, xem xét sửa đổi, bổ sung NĐ 81. Ngay trong ngày 11.4, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Bộ GD-ĐT gửi lấy ý kiến các cơ quan liên quan về nội dung mà Bộ GD-ĐT đề xuất.

Ngày 7.5, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 74/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, trong đó giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB-XH và các cơ quan liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung NĐ 81 theo trình tự, thủ tục rút gọn để địa phương và các cơ sở GD-ĐT kịp thời có căn cứ quyết định mức thu học phí năm học 2023 - 2024.

Bộ GD-ĐT đề xuất phương án tăng học phí nhưng tránh gây sốc - Ảnh 2.

Mức trần HP năm học 2023 - 2024 với các trường ĐH chưa tự chủ sẽ được thu theo cột năm học 2022 - 2023 trong bảng này

CHỌN PHƯƠNG ÁN ÍT GÂY SỐC NHẤT

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở đào tạo…, Bộ GD-ĐT đưa ra 2 phương án HP năm học 2023 - 2024, đều theo hướng tăng so với 3 năm học vừa qua, nhưng một phương án tăng đột ngột, một phương án tăng nhẹ. Phương án 1 là thực hiện đúng như quy định của NĐ 81. Phương án 2 là điều chỉnh lộ trình HP lùi lại 1 năm so với lộ trình tại NĐ 81.

Nếu theo phương án 1, mức HP năm học 2023 - 2024 sẽ rất cao so với năm học 2022 - 2023; mức trần HP của các trường ĐH công lập năm học tới sẽ tăng bình quân 45,7% so với năm ngoái (do trước đó không tăng HP 3 năm liền). Điều này không chỉ gây khó khăn cho người dân, sẽ bị dư luận xã hội phản ứng, mà còn làm ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2023.

Không giảm ngân sách nhà nước đầu tư cho GIÁO DỤC

Kết luận tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý với phương án các trường ĐH, cơ sở GD nghề nghiệp thực hiện lộ trình tăng HP phù hợp theo NĐ 81; có chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế và dễ bị tổn thương được tiếp cận GD ĐH bình đẳng. Đối với bậc học mầm non, tiểu học, THPT, việc điều chỉnh HP do HĐND các tỉnh, thành phố quyết định theo điều kiện của địa phương.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT cần đánh giá rõ tác động xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, thậm chí không thể đi học do HP tăng, từ đó có phương án hỗ trợ cụ thể, "bảo đảm mục tiêu nhất quán trong thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông".

Ở những khu vực có điều kiện kinh tế, cần thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích tự chủ đối với các cơ sở GD công lập trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí GD; dành ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, Phó thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc "không giảm ngân sách nhà nước đầu tư cho GD".

Còn phương án 2 là có tính chất dung hòa, giúp cho biên độ tăng HP đảm bảo nguyên tắc của NĐ 81 (tăng bình quân không quá 12,5% năm). Điều này khiến cho lợi ích của người học và cơ sở GD đạt được sự cân đối, hài hòa. Cơ sở GD thu được thêm HP để bù đắp một phần chi phí hoạt động, người học vẫn được hỗ trợ ở một chừng mực nhất định để đảm bảo an sinh xã hội.

Nhưng hạn chế của phương án 2 là phải sửa NĐ 81, việc này sẽ tạo áp lực về thời gian vì cần phải ban hành nghị định sửa đổi trước thời gian chuẩn bị cho năm học mới. Hơn nữa, theo phương án này, các cơ sở GD vẫn tiếp tục gặp khó khăn về nguồn thu, vừa do bị cắt giảm ngân sách chi hỗ trợ thường xuyên (2,5%/năm với những đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên), vừa do phải tự bù đắp phần thiếu hụt để thực hiện chính sách tăng mức lương cơ sở và đầu tư.

Hiện nay, một số sở GD-ĐT và cơ sở GD-ĐT đề xuất áp dụng phương án 1. Tuy nhiên, để dung hòa ý kiến của phần lớn cơ quan liên quan, Bộ GD-ĐT cho rằng chọn phương án 2 sẽ khả thi và phù hợp hơn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.