Sáng nay, 17.4, tại hơn 300 điểm cầu trên toàn quốc đang diễn ra hội nghị “Đào tạo trực tuyến giáo dục đại học trong dịch Covid-19” với sự chủ trì của Bộ GD-ĐT.
Tham gia hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng sư phạm. Đặc biệt, các nhà cung cấp công nghệ, dịch vụ hạ tầng kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam và thế giới như Tập đoàn Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnam Mobile, Microsoft, Google, Amazon, FPT... cũng tham gia hội nghị.
Đây là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức một hội nghị trực tuyến có sự tham gia của hàng trăm điểm cầu.
Sẽ cho phép tỷ lệ đào tạo trực tuyến trong đào tạo đại học chính quy
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, hội nghị được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn kết nối hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và các tập đoàn công nghệ để chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đại học, đặc biệt là trong đào tạo trực tuyến; hướng tới phát triển các hoạt động này cho giáo dục đại học Việt Nam trong tương lai, chứ không chỉ trong bối cảnh có dịch Covid-19.
Ông Phúc cũng cho biết, các trường đại học có đầy đủ căn cứ pháp lý để đào tạo, công nhận kết quả trực tuyến. Bộ GD-ĐT cũng đang sửa đổi quy chế đào tạo chính quy đại học theo hướng cho phép các trường được triển khai một số tỷ lệ nhất định đào tạo trực tuyến trong toàn bộ chương trình.
Đây là cách thức mà các trường đại học nước ngoài đã thực hiện và cho thấy hiệu quả bởi kết hợp được ưu điểm của đào tạo truyền thống và đào tạo trực tuyến, tạo điều kiện cho sinh viên học mọi lúc mọi nơi, phát huy được khả năng tự học.
Cũng theo ông Phúc, để ứng phó với dịch Covid-19, đã có 110 trường triển khai đào tạo trực tuyến (trong tổng số 240 trường) ở các mức độ từ đơn giản đến nâng cao.
Bên cạnh đó, có nhiều trường thực sự khó khăn do chưa bao giờ triển khai đào tạo trực tuyến (riêng 33 trường khối an ninh - quốc phòng vẫn đào tạo tập trung suốt thời gian qua).
Cơ hội bắt nhịp xu hướng số hóa
Theo PGS Nguyễn Thu Thủy, Quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), về đào tạo trực tuyến, hiện nay, cả hệ thống còn gặp nhiều thách thức như các trường còn hạn chế về hạ tầng công nghệ, chưa có quy trình và kinh nghiệm về đào tạo trực tuyến, học liệu điện tử còn nghèo nàn, chưa được chuẩn hoá, chưa kiểm soát tốt về chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá.
Về phía người học, sinh viên còn hạn chế về thiết bị, hạ tầng internet (đặc biệt là sinh viên vùng khó khăn), thiếu kỹ năng để học trực tuyến (kỹ năng sử công nghệ; phương pháp học…).
Đào tạo trực tuyến còn đối mặt với nguy cơ không đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, nguy cơ tiềm ẩn từ internet và mạng xã hội... Trong khi đó, chúng ta chưa có những cảnh báo, kỹ năng cần thiết cho sinh viên học tập trên môi trường mạng; chưa có giải pháp tránh quấy rối lớp học, mất thông tin cá nhân.
Doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đầu tư về công nghệ đào tạo trực tuyến cho giáo dục đại học. Đặc biệt, các ngành đào tạo thực hành, chuyên sâu đặc thù khó triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, bà Thủy cũng cho rằng, việc phải ngừng dạy học tập trung của các trường đại học để phòng chống dịch Covid-19 là một cơ hội cho việc phát triển giáo dục đại học theo hướng số hóa trong đào tạo. Đây cũng là cơ hội để các trường đại học thúc đẩy cơ hội hợp tác, phối hợp với doanh nghiệp ICT quốc gia, đa quốc gia; phát triển hệ thống đào tạo trực tuyến hỗ trợ cho hình thức đào tạo truyền thống...
Theo Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), đến ngày 13.4, cả nước có 110 trường tham gia đào tạo trực tuyến (với các mức độ từ đơn giản đến hoàn chỉnh), trong đó có 63 trường công lập (42,3% trong các trường công lập), 42 trường ngoài công lập (70% trong các trường ngoài công lập). Có 5 trường nước ngoài đều có đào tạo trực tuyến.
Có 104 trường chưa đào tạo trực tuyến, trong đó công lập là 86 trường (57,7% trong số trường công lập), 18 trường ngoài công lập (30% trong số trường ngoài công lập).
Ngoài ra, 33 trường khối an ninh - quốc phòng đều học trực tiếp, không đào tạo trực tuyến.
|
Bình luận (0)