Bộ GD-ĐT lên tiếng về đề thi ngữ văn giống suy đoán trên mạng xã hội

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
27/06/2024 13:21 GMT+7

Bộ GD-ĐT vừa có ý kiến xung quanh phản ánh về đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trùng với một số suy đoán trên mạng xã hội trước khi kỳ thi diễn ra.

Bộ GD-ĐT cho biết: sau khi tiếp nhận phản ánh liên quan đến đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trùng với một số suy đoán trên mạng xã hội trước khi kỳ thi diễn ra, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã yêu cầu Hội đồng ra đề thi báo cáo.

Bộ GD-ĐT lên tiếng về đề thi ngữ văn giống suy đoán trên mạng xã hội- Ảnh 1.

Nhiều thí sinh vui mừng cho biết đề thi môn ngữ văn "trúng tủ"

ĐÌNH HUY

Theo đó, đến thời điểm này, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 khẳng định: "Đề thi môn ngữ văn đã được bảo mật tuyệt đối.

Số lượng tác phẩm văn học trong chương trình hiện hành và phạm vi ra đề là có giới hạn. Do đó, việc suy đoán đúng tên tác phẩm, tác giả được sử dụng trong đề thi là ngẫu nhiên và có thể xảy ra.

Tuy nhiên, đề thi sử dụng toàn bộ tác phẩm hay một phần tác phẩm hoặc một phần cụ thể nào của tác phẩm cũng như yêu cầu (lệnh hỏi) đối với thí sinh là hoàn toàn khác biệt so với suy đoán trước đó".

Ban chỉ đạo thi cũng cho rằng, đề thi môn ngữ văn được ra đúng với cấu trúc, định dạng đã được Bộ GD-ĐT công bố, có sự phân phối hợp lý giữa phần thơ và phần văn.

Phần đọc hiểu của đề thi bàn về sự sáng tạo và trách nhiệm của người nghệ sĩ, những yếu tố tạo nên lịch sử nghệ thuật của nhân loại; không trùng với những suy đoán trước đó.

Về câu nghị luận xã hội (phần làm văn), dù vào chủ đề gì cũng luôn yêu cầu thí sinh phải có liên hệ thực tiễn, nêu được suy nghĩ, tình cảm, nhận xét, trách nhiệm của mình đối với vấn đề đó nhằm bảo đảm tính thực tiễn, định hướng giáo dục, bồi đắp tâm hồn, nhân cách mà nhiều tài liệu, tác phẩm... đều hướng tới.

Trong đề thi chính thức môn ngữ văn sáng nay, phần làm văn (7 điểm) có 2 câu hỏi. Câu hỏi 1 yêu cầu viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Câu 2 yêu cầu phân tích đoạn thơ trong tác phẩm Đất nước, từ đó nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của tác giả Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn thơ.

Bộ GD-ĐT khẳng định: Đề thi văn không bị lộ, bảo mật tuyệt đối

Nhiều thí sinh tỏ ra vui mừng cho rằng đề thi ngữ văn năm nay "trúng tủ", trong khi trước đó mạng xã hội xôn xao tin đồn phần nghị luận văn học rơi vào tác phẩm Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm và nay, phần thi này cũng rơi vào đúng tác phẩm đó.

Từ sang năm sẽ không còn cảnh "đoán đề"?

Nhận định về cách ra đề năm nay, cô Trịnh Thị Thu Tuyết, giáo viên ngữ văn của Hệ thống Giáo dục Học Mãi, cho rằng: Nhìn chung, đề thi ngữ văn năm nay đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp THPT; cũng phù hợp với yêu cầu cho một kì thi cuối cùng của chương trình giáo dục ra đời cách đây gần hai thập kỷ.

Hai phần đọc hiểu và làm văn trong đề đều theo mô hình cơ bản từ kì thi năm 2017 đến nay với cấu trúc, kiểu dạng và mức độ nhận thức trong các câu hỏi không có những bất ngờ vốn luôn bao hàm sự mới mẻ với thí sinh, không làm khó nhưng cũng không đem tới nhiều sự hứng thú, yếu tố vốn không nên thiếu khi nói tới với văn chương. Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo.

"Bắt đầu từ sang năm, khi giáo dục Việt Nam hoàn chỉnh một chặng đường đổi mới theo cách học và thi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, khi các ngữ liệu trong đề thi hoàn toàn là những văn bản bên ngoài sách giáo khoa, hy vọng đề thi ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ đem lại nhiều hứng thú, thách thức và cơ hội cho các thí sinh yêu văn chương, ham hiểu biết, khám phá, có tư duy độc lập, không thích đi theo lối mòn", cô Tuyết chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.