Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Cần sửa quy chế để có thể bảo lưu kết quả học ĐH suốt đời, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng cần có sự tách bạch hai vấn đề: công nhận kết quả học tập và bảo lưu kết quả tuyển sinh.
Cần tách bạch khái niệm tạm thời nghỉ học và thôi học
Theo ông Sơn, liên quan tới nội dung Báo Thanh Niên đã nêu, quy chế đào tạo đại học (ĐH) hiện hành (ban hành qua Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT) có đưa ra hai khái niệm với người học đã trúng tuyển và theo học tại trường ĐH gồm: tạm nghỉ học, thôi học.
Với trường hợp nghỉ học tạm thời, người đó vẫn là sinh viên (SV) của trường, nên phải có thời hạn nhất định chứ trường ĐH không thể quản lý SV suốt đời được. Quy chế quy định: “Thời gian nghỉ học tạm thời vì nhu cầu cá nhân phải được tính vào thời gian học chính thức quy định tại khoản 5 điều 2 của quy chế này”. Khoản 5 điều 2 là: “Thời gian tối đa để SV hoàn thành khóa học được quy định trong quy chế của cơ sở đào tạo, nhưng không vượt quá 2 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với mỗi hình thức đào tạo”.
Theo Bộ GD-ĐT, các trường đại học được chủ động đưa ra quy định về việc công nhận kết quả học tập của sinh viên |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Còn thôi học thì người học không còn là SV của trường nữa. Nếu muốn quay trở lại, người học phải chứng tỏ vẫn đáp ứng được điều kiện đầu vào, phải cạnh tranh với những thí sinh khác nếu tuyển sinh chương trình đào tạo có cạnh tranh, đó là chuyện hiển nhiên.
Xin ông cho biết, tại sao Bộ GD-ĐT không cho phép người học đã trúng tuyển, đã học ở trường ĐH một thời gian nhưng vì hoàn cảnh cá nhân mà phải nghỉ học một thời gian dài (mà quy chế gọi là thôi học, chứ không được coi là tạm nghỉ học), khi có điều kiện quay lại học thì vẫn có thể được học tiếp, không phải qua kỳ xét tuyển đầu vào?
Chúng ta khuyến khích học tập suốt đời, nhưng không có nghĩa là học một trình độ nào đó kéo dài rất nhiều năm. Người học có thể học xong một trình độ, một bằng cấp, sau đó quay lại học một bằng cấp khác, hoặc học lên trình độ cao hơn, hoặc bổ sung kiến thức. Đây là nguyên lý học tập suốt đời mà chúng ta khuyến khích và cũng là quyền của người học. Tuy nhiên, đối với đào tạo chính quy cần lưu ý đây là hình thức đào tạo theo khóa, theo một chương trình đào tạo nhất định. Một người học kéo quá dài thời gian học sẽ dẫn đến nhiều bất cập.
Thứ nhất là chương trình đào tạo sẽ có sự thay đổi, kéo theo đó là yêu cầu về tuyển sinh đầu vào cũng có thể thay đổi. Nếu người học nghỉ học lâu năm quá, khi quay lại học vào thời điểm chương trình đào tạo đã thay đổi rồi, người học không đáp ứng tiêu chí đầu vào (cũng đã thay đổi) thì điều đó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo.
Thứ hai, nếu cho kéo dài thời gian học tập lâu quá sẽ tác động không tốt tới tâm lý nhiều SV. Các em sẽ nảy sinh suy nghĩ chủ quan, nguy cơ sẽ không tốt nghiệp được để ra trường vào thời hạn phù hợp. Nước nào cũng thế, để công tác đào tạo hiệu quả đối với nhà trường cũng như với xã hội, thì đều không muốn kéo quá dài thời gian của chương trình đào tạo.
Cho phép kéo dài quá (với chương trình đào tạo chính quy) sẽ dẫn đến hiện tượng SV vừa học, vừa làm mà không ưu tiên hàng đầu cho việc học (hoặc là vì những lý do khác nữa), dẫn đến chểnh mảng trong học tập. Quy định đưa ra về thời gian đào tạo chính quy tập trung, chúng tôi cũng đã tham khảo mô hình đào tạo của nhiều nước, căn cứ vào những nguyên tắc đảm bảo chất lượng.
Trường ĐH chủ động quy định việc công nhận kết quả học
Nghĩa là SV dù học được vài năm, nếu đã thôi học, khi quay lại trường ĐH đó thì phải dự tuyển và học lại từ đầu, thưa ông?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn |
ngọc đại |
Phải dự tuyển từ đầu là đúng với những trường hợp thôi học, nhưng không hẳn là học lại từ đầu. Điều này là quy chế đào tạo ĐH cho phép các trường ĐH được chủ động. Quy chế không hạn chế khả năng quay trở lại học của người học. Người học đã thôi học, sau đó muốn quay lại học thì phải tham gia quy trình tuyển sinh.
Như trên tôi đã nói, việc này là để trường còn xem năng lực của người học ở thời điểm đó liệu có phù hợp với chương trình đào tạo, đồng thời để đảm bảo tính công bằng với các thí sinh khác trong trường hợp chỗ ngồi trong trường ĐH hạn chế, trường phải lựa chọn thí sinh để tuyển. Còn trường nào không có cạnh tranh cao về đầu vào, trường sẽ đưa ra yêu cầu đầu vào nhẹ nhàng, quan trọng là phải đưa ra tiêu chí để người học đáp ứng được yêu cầu đầu vào của chương trình thời điểm hiện tại. Chuẩn đầu vào chương trình có thể thay đổi, có thể chỉ cần tốt nghiệp THPT, nhưng cũng có thể cao hơn hoặc có những yêu cầu khác, nhằm đảm bảo người học có đủ khả năng học chương trình đó. Quy định này vừa bảo vệ người học, vừa đảm bảo chất lượng chương trình.
Khi người học vẫn đáp ứng được yêu cầu đầu vào của chương trình đào tạo, cạnh tranh được với thí sinh khác (trong trường hợp ngành/trường có cạnh tranh), thì việc công nhận kiến thức mà người học đã học từ cách đây 10 - 20 năm là tùy từng trường. Quy chế hiện nay không khống chế thời gian công nhận kết quả học tập trước kia.
Quy chế quy định việc công nhận kết quả thì trường ĐH hoàn toàn được chủ động. Thậm chí, trong trường hợp người học quay lại học ngành khác với ngành họ đã học cách đây mấy chục năm của cùng một trường, trường có thể xem xét để công nhận các nội dung họ đã học từ cách đây mấy chục năm nếu ngành mới cũng có những nội dung đó. Tuy nhiên, kiến thức của người học đã mai một thì cũng chưa chắc được trường công nhận, cho dù vẫn là học tiếp ngành đã học.
Ngược lại, nếu trường thấy có thể công nhận cả những kiến thức kỹ năng mà người học đã tích lũy được trong thời gian đi làm (chứ không chỉ là thời gian học trong trường), đặc biệt là với các nội dung liên quan tới thực hành, làm thí nghiệm, thực tập…, các trường có thể thẩm định, thấy đạt yêu cầu thì công nhận.
Với việc công nhận đó, thời gian đào tạo còn lại của người học có thể ngắn hơn không, thưa ông?
Các quy định về bảo lưu kết quả học tập
Năm 2006, Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế đào tạo ĐH và CĐ hệ chính quy, quy định SV nghỉ học tạm thời vì lý do cá nhân và thời gian bảo lưu kết quả được tính như sau: SV không thuộc đối tượng ưu tiên trong đào tạo được tạm ngừng học tối đa không quá 1 năm cho toàn khóa học đối với các chương trình có thời gian đào tạo dưới 3 năm; không quá 2 năm với các chương trình đào tạo từ 3 đến dưới 5 năm; không quá 3 năm đối với các chương trình đào tạo từ 5 đến 6 năm.
Năm 2007, Quy chế đào tạo ĐH và CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ quy định thời gian tối đa hoàn thành chương trình bao gồm thời gian thiết kế cho chương trình cộng với 2 học kỳ đối với các khóa học dưới 3 năm; 4 học kỳ đối với các khóa học từ 3 đến dưới 5 năm; 6 học kỳ đối với các khóa học từ 5 đến 6 năm. Tùy theo điều kiện đào tạo của nhà trường, hiệu trưởng quy định thời gian tối đa cho mỗi chương trình, nhưng không được vượt quá hai lần so với thời gian thiết kế cho chương trình đó.
Mới đây nhất, thông tư ban hành quy chế đào tạo trình độ ĐH có hiệu lực từ 3.5.2021, thay thế cho các quy chế trên, quy định thời gian tối đa để SV hoàn thành khóa học không vượt quá 2 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với mỗi hình thức đào tạo. Chẳng hạn chương trình học là 4 năm thì sinh viên có tối đa 8 năm để hoàn thành.
Mỹ Quyên (tổng hợp)
Đúng thế, miễn là người học đảm bảo chuẩn đầu ra. Quy chế đào tạo hiện nay không hề cản trở nhu cầu học tập suốt đời của người học. Chỉ với yêu cầu là phải thực hiện dự tuyển lại đầu vào với các trường hợp đã thôi học mà nói rằng quy chế đào tạo ĐH chính quy cản trở việc học suốt đời cho người học là đánh giá không thỏa đáng.
Khi xây dựng quy chế, Bộ GD-ĐT đã tham khảo quy chế của nhiều trường ĐH trên thế giới, đã xem xét mọi khía cạnh để đảm bảo lợi ích của người học một cách khoa học, không vì một vài trường hợp cá biệt đâu đó trên thế giới mà phủ nhận, phải làm thay đổi những quy định mang lại lợi ích tốt đẹp nhiều năm cho cả hệ thống.
Bình luận (0)