"Lương nhà giáo từ 1.7 chắc chắn sẽ cao hơn"
Chiều nay 17.5, tại buổi tọa đàm về dự thảo luật Nhà giáo, trả lời báo chí về việc nhà giáo đang tâm tư khi từ 1.7 lương nhà giáo được tính toán tăng nhưng lại cắt bỏ chế độ phụ cấp thâm niên mà lâu nay nhà giáo vẫn được hưởng.
Do vậy, nhiều nhà giáo lo lắng lương có tăng cao nhất mà phụ cấp thâm niên không còn thì cũng không bù đắp được.
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho rằng, thực hiện Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, các cơ quan chức năng đang xây dựng chính sách tiền lương mới để thực hiện từ ngày 1.7 tới. Trong đó, tiền lương cơ bản chiếm 70% và phụ cấp ưu đãi chiếm 30% tổng tiền lương.
"Tinh thần là ngành giáo dục sẽ là một trong số ít ngành được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề ngoài tiền lương và mức phụ cấp ưu đãi theo nghề của nhà giáo là cao nhất trong các ngành nghề được hưởng phụ cấp", ông Đức cho hay.
Nguyên tắc trong thực hiện Nghị quyết 27 là tiền lương mới không thấp hơn tiền lương cũ. Trong trường hợp sắp xếp tiền lương mới mà thấp hơn tiền lương các thầy cô đang được hưởng thì các thầy cô được quyền bảo lưu tiền lương cũ. "Do vậy, các thầy cô yên tâm là tiền lương mới từ 1.7 chắc chắn sẽ cao hơn tiền lương cũ".
Từ ngày 1.7, tiền lương giáo viên sẽ thay đổi như thế nào?
Về lâu dài, theo ông Vũ Minh Đức, đối với chính sách tiền lương, đãi ngộ nhà giáo, dự thảo luật đề xuất xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp.
Dự luật cũng đề xuất các chế tài để đảm bảo tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, tự chủ phải đảm bảo không ít hơn so với nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Quy định nêu trên cùng với một số chế tài khác (các hành vi bị nghiêm cấm đối với các cá nhân, đơn vị liên quan về nhà giáo, quy định về xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về nhà giáo…) nhằm bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng và bảo vệ nhà giáo dù công tác tại các cơ sở giáo dục trong hay ngoài công lập.
Quản lý thế nào với "nhà giáo tự xưng"?
Liên quan đến chứng chỉ hành nghề mà dự thảo luật Nhà giáo quy định, một số ý kiến tại buổi tọa đàm đặt vấn đề: hiện nay những người tự xưng là nhà giáo và giảng dạy trên các nền tảng mạng xã hội rất nhiều, thu hút nhiều học sinh với mức thu nhập cao hơn nhiều so với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục.
Vậy, Bộ GD-ĐT có tính đến đưa vào luật để quản lý những đối tượng này và liệu những nhà giáo không hoạt động trong các cơ sở giáo dục có được cấp chứng chỉ hành nghề hay không?
Ông Vũ Minh Đức cho rằng, về nguyên tắc, nếu có nhu cầu thì họ vẫn được cấp giấy phép. Còn việc quản lý đối tượng này thì trong quá trình soạn thảo dự luật, ban soạn thảo cũng đã tính đến. Tuy nhiên, đối tượng này khá phức tạp và biến đổi rất nhanh, đặc biệt là những người giảng dạy trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội.
Do vậy, Bộ GD-ĐT cũng có đề xuất là sẽ thí điểm thực hiện quản lý một số đối tượng này, trên cơ sở đó sẽ có nghiên cứu và hoàn thiện dự luật trong thời gian tiếp theo.
"Việc cấp chứng chỉ hành nghề sẽ giúp nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, nhằm phân biệt những người đủ tư cách dạy học với người không đủ tiêu chuẩn để dạy học nhưng tự xưng là nhà giáo trên mạng xã hội", ông Đức nói.
Ngoài ra, theo ông Đức, chứng chỉ hành nghề cũng sẽ tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi về nơi công tác vì có giá trị sử dụng toàn quốc. Nhờ đó, cho dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần phải thực hiện lại chế độ tập sự, giảm thủ tục khi thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc...
Bình luận (0)