Bộ GD-ĐT 'quên' công bố đáp án thi học sinh giỏi quốc gia gần chục năm qua

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
31/03/2022 19:15 GMT+7

Dù Quy chế quy định từ năm 2014 nhưng năm nay, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT công bố đề thi và đáp án của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia sau khi có ý kiến phản ứng của dư luận.

Dù Quy chế quy định từ năm 2014 nhưng năm nay nay, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT công bố đề thi và đáp án của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia của tất cả các môn trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.

Công bố đề thi, đáp án ở kỳ thi tốt nghiệp THPT được thực hiện hằng năm, nhưng kỳ thi học sinh giỏi quốc gia thì năm nay là năm đầu tiên

đậu tiến đạt

Điều đáng nói, việc này chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến phản ứng của một số nhà giáo trực tiếp dạy đội tuyển, dù kết quả của kỳ thi này đã công bố gần 1 tuần qua.

Điều 20, Thông tư số 22 về quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 25.8.2014, nêu rõ: “Đề thi và đáp án của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia phải được công bố trên website Bộ GD-ĐT ngay sau khi chấm thi xong”.

Tuy nhiên, từ khi ban hành quy chế đến nay, Bộ GD-ĐT chưa từng thực hiện quy định công bố đề thi và đáp án theo chính quy chế mà Bộ GD-ĐT ban hành. Nhiều giáo viên dạy đội tuyển cho biết đề thi không công bố nhưng có phát cho thí sinh nên mọi người đều được biết, nhưng đáp án thì chưa bao giờ được công bố.

Thanh tra Bộ GD-ĐT đã từng chỉ ra những vi phạm trong thi học sinh giỏi

Ðầu năm học 2018 - 2019, Thanh tra Bộ GD-ÐT đã có kết luận thanh tra một số vấn đề liên quan Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ÐT), trong đó chỉ ra một loạt vi phạm trong tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các năm 2015, 2016, 2017.

Kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT thời điểm đó cũng chỉ rõ: “Sau khi chấm thi xong, đề thi, đáp án của kỳ thi học sinh giỏi hằng năm chưa thực hiện công bố trên website của Bộ GD-ĐT theo quy định của quy chế”.

Kết luận còn chỉ ra nhiều vi phạm liên quan đến kỳ thi này, cụ thể: “Qua đối chiếu danh sách thành viên tham gia xây dựng đề thi đề xuất, danh sách hội đồng ra đề năm 2015, 2016, 2017 và danh sách sách đội ngũ giáo viên, giảng viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia của 4/63 tỉnh, thành cho thấy, có một số thành viên vừa tham gia xây dựng đề thi đề xuất, vừa là thành viên của hội đồng ra đề thi, nhưng đồng thời tham gia bồi dưỡng tập huấn cho các đội tuyển dự thi của các địa phương”.

Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng kết luận Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT chưa có căn cứ để xác định số lượng đề thi đề xuất, số lượng người mời tham gia xây dựng đề thi đề xuất đối với mỗi môn thi. Nhiều môn số lượng đề thi đề xuất ít, như ngữ văn 2 đề, tin học 3 đề, tiếng Pháp 4 đề.

Đáng chú ý, cũng theo kết luận này, một số giảng viên tham gia xây dựng đề thi đề xuất này cũng tham gia tập huấn, bồi dưỡng cho đội tuyển các địa phương. Mặt khác, danh sách người ra đề thi đề xuất không đảm bảo thể thức của văn bản tối mật theo quy định của quy chế học sinh giỏi quốc gia, như không ghi ngày tháng ban hành, không có văn bản đề xuất ban hành danh sách, người ký danh sách không quy định về độ mật, số lượng in, phạm vi lưu hành, hình thức in sao chụp, nhân bản, phương án hình thức chuyển phát văn bản, không đánh số trang, không đóng dấu độ mật.

Trước khi cách ly 1 ngày có thực hiện việc thống kê, mã hóa đề thi đề xuất (mở đề, tiếp xúc trực tiếp với đề thi đề xuất) mà không cách ly là không đúng quy định của quy chế thi học sinh giỏi quốc gia.

Tuy nhiên, sau kết luận nêu trên cho đến trước thời điểm này, đề thi và đáp án của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hàng năm vẫn tiếp tục không được Bộ GD-ĐT công bố.

Nhiều ý kiến bày tỏ sự bất bình, thậm chí nghi ngờ có "khuất tất" khi Bộ GD-ĐT soạn thảo, ban hành quy chế, nhưng rồi chính Bộ GD-ĐT lại không thực hiện quy định lẽ ra là đương nhiên, trong quy chế ấy.

Mong có sự công bằng trong kỳ thi

Một giáo viên dạy trường chuyên từng chia sẻ với Báo Thanh Niên: “Tôi là một giáo viên trẻ khi về trường với tâm huyết đào tạo học sinh giỏi, tôi cùng học sinh đã cố gắng hết sức nhưng thực tế càng ngày càng nhiều tỉnh thành không thể "tự thân vận động" mà phải tìm nhiều nguồn tiền đi "mướn chuyên gia" có "kinh nghiệm ra đề" luyện cho các đội tuyển mới mong có giải cao. Tôi rất buồn và hằng năm đều phải trăn trở một câu hỏi "liệu mình có nên làm giống vậy không?".

Cũng theo giáo viên này: "Thiết nghĩ, hãy để các em có cuộc chơi công bằng, để nó thực sự cuộc chơi, tạo cơ hội cho các em giao lưu học hỏi. Chính những người lớn được gọi là "giáo sư", "chuyên gia" vừa ra đề, vừa đi luyện thi cho đội tuyển ở các địa phương đã tạo ra những tiền lệ hết sức nguy hiểm cho tương lai các em. Tôi khẩn thiết đề nghị Bộ GD-ĐT phải chấn chỉnh, khẩn thiết kêu gọi sự công bằng trong kỳ thi và chấm thi, kêu gọi những người đã, đang ra đề, chấm thi hãy suy nghĩ về mục đích ban đầu và ý nghĩa thực sự của nghề dạy học”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.