Trường chuyên là ước mơ hay khủng hoảng?

30/01/2022 07:15 GMT+7

Sau 10 năm triển khai đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên, cả nước có 77 trường chuyên, giáo viên trình độ tiến sĩ đạt 1,57%, thạc sĩ 53,62%, nhiều huy chương các kỳ thi khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh đó là những ca thán về trường chuyên. Chính vì vậy, có người đặt vấn đề: Trường chuyên là ước mơ hay khủng hoảng?

Vào trường chuyên danh tiếng như Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam là ước mơ của rất nhiều học sinh

gia hân

Có không sự mắc kẹt?

Năm 2019, sau giờ thi học sinh giỏi của một tỉnh, anh em trong đoàn công tác tâm tình vui buồn chuyện dạy - học - luyện thi tại trường chuyên. Thầy tổ trưởng hóa một trường chuyên nói với tôi: “Môn hóa ở đây chỉ giải nhì quốc gia trở xuống vì lãnh đạo chưa linh hoạt ... xa!”

Dạy chuyên, học chuyên phải có giải là một mặc định. Trong cơn lốc đó, từ lãnh đạo đến giáo viên chuyên phải thực thi “biện pháp nghiệp vụ” nhằm đạt mục đích. Có biện pháp không chỉ giáo giới mà xã hội khi biết - rất đau lòng. Vì vậy, có người đòi giải tán trường chuyên, “bán” trường chuyên. Dường như các cấp quản lý giáo dục đang mắc kẹt giữa lý thuyết và thực tế; giữa bề nổi và phần chìm của tảng băng trôi trường chuyên; giữa đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới dạy học tại trường chuyên nói riêng; giữa sự thăng hoa nhờ huân, huy chương, bằng khen và những áp lực được gọi tên khác nhau trong những “hệ quy chiếu” khác nhau.

Chẳng hạn, với “hệ quy chiếu” này, trường chuyên là hình mẫu cho các trường THPT khác học tập; với “hệ quy chiếu” kia, trường chuyên là biểu hiện bệnh thành tích và bất công trong giáo dục; với phụ huynh này, trường chuyên là môi trường tốt để con em họ phát triển nhưng với phụ huynh kia, nếu được làm lại, sẽ không cho con em mình theo học trường chuyên.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên tại điểm cầu Bộ GD-ĐT

THẾ ĐẠI

Vì sao trường chuyên ngày càng thiếu hấp dẫn

Trước đây, trường lớp nhiều nơi còn nghèo, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học thiếu thốn, thầy cô khó trong cuộc sống và không ít trong số đó vụng về khi đứng lớp. Mấy năm trở lại đây, năng lực giáo viên, chương trình, sách giáo khoa, trường lớp, hoạt động dạy học và giáo dục đã có thay đổi ấn tượng. Phụ huynh không phải quá lo lắng chọn trường cho con học tiếp bậc THPT. Giáo dục đang chuyển dần sang giáo dục số, với chiến lược thích hợp, cơ hội phát triển phẩm chất và năng lực học sinh được chia đều cho các trường.

Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài - nếu khéo gợi lên khát vọng ở thầy trò, lãnh đạo các nhà trường, đồng thời bám sát triết lý “học thật, thi thật, nhân tài thật” thì mỗi trường phổ thông đều có năng lượng lớn, biết kích hoạt sẽ đạt thành tích cao trong giáo dục toàn diện. Có trường, địa phương khó khăn vẫn góp cho đất nước nhân tài từ, dệt nên những câu chuyện “trường làng tôi lung linh”.

Tôi có đọc một ý nói về khả năng của người trẻ hiện nay đó là, tư duy công dân toàn cầu và trách nhiệm bản địa cùng hệ giá trị của gia đình và đất nước về tình yêu thương, sự thấu cảm với người khác và tôn trọng sự khác biệt. Việc học tập không còn tập trung vào các thành phố lớn, tại những quốc gia phát triển mà sẽ được địa phương hóa, cá nhân hóa và bất kỳ ở đâu cũng có thể tiếp nhận được.

Chuyển đổi số trong giáo dục để giúp cho người học tìm ra vấn đề của chính họ thay vì các giải pháp mà người dạy tìm ra cho họ.

Con đường mà hiện nay số đông trường chuyên đang theo đã không còn phù hợp, cường độ hấp dẫn trường chuyên giảm đi là tất yếu.

Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM)

đào ngọc thạch

Để có nhân tài thật

Bộ GD-ĐT cần huy động nguồn lực đầu tư cho trường công, có cơ chế thích hợp phát triển trường tư, phát triển song song trường chuyên gắn với tỉnh, thành phố và đầu tư toàn diện cho trường chuyên trọng điểm quốc gia do Bộ GD-ĐT, đại học hoặc trường đại học quản lý.

Trường THPT chuyên tại các tỉnh, thành phố tự chủ về chương trình, tuyển dụng giáo viên, tuyển sinh... chủ yếu phục vụ cho học sinh năng khiếu của địa phương, theo học tự nguyện, có thu phí. Nếu học sinh nghèo thì có thể được ngân sách địa phương đài thọ học bổng. Học sinh ở đây chủ yếu dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố, không khuyến khích thi học sinh giỏi vòng quốc gia.

Đối với trường chuyên quốc gia, mỗi vùng, miền chỉ nên có từ 1 đến 2 trường. Sau tuyển chọn công bằng, nghiêm ngặt, học sinh theo học tại đây được chu cấp đầy đủ sinh hoạt phí và các phương tiện để học tập, trải nghiệm... Chương trình học do các trường tự biên soạn, phù hợp với quy định hiện hành (phần cứng) và điều kiện dạy - học - cơ sở vật chất - đội ngũ của trường. Học sinh trường này chỉ tham gia thi vòng quốc gia và các kỳ thi quốc tế truyền thống có uy tín. Giáo dục toàn diện trong hệ thống trường chuyên quốc gia hướng đến đào tạo cho đất nước những nhà khoa học tài ba, tướng lĩnh ưu tú, các chuyên gia xuất sắc tầm quốc gia, quốc tế ...

Như một quy luật trong giáo dục - trường công, trường tư hay trường chuyên khi thấm sâu “học thật, thi thật”, đúng quỹ đạo của việc trồng người, sẽ góp cho đất nước, cộng đồng những con người trách nhiệm, ngay ngắn, vượt trội. Nhân tài thật từ đó chứ đâu nữa!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.