Bộ GD-ĐT vừa ban hành 2 thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Cụ thể, Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT.
Các thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 16.12.
Theo Bộ GD-ĐT, việc xây dựng thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10.9.2020 của Chính phủ cũng như làm căn cứ để các địa phương triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm, từ đó làm cơ sở cho việc thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 của T.Ư Đảng.
Theo Bộ GD-ĐT, các quy định về định mức số lượng người làm việc cấp mầm non, phổ thông tại thông tư mới về cơ bản giữ ổn định đội ngũ hiện có, phù hợp với đặc thù của từng cấp học nhưng cũng đồng bộ các giải pháp để thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Định mức giáo viên các cấp học được xác định theo nguyên tắc bảo đảm đủ số lượng người làm việc theo định mức để thực hiện công tác giảng dạy tất cả các môn học và các hoạt động giáo dục và để thực hiện các công việc chuyên môn dùng chung, công việc hỗ trợ, phục vụ của cơ sở giáo dục.
Thông tư quy định số lượng học sinh/lớp theo vùng để làm căn cứ giao hoặc phê duyệt số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
Vùng 1: bình quân 25 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Vùng 2: bình quân 30 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 40 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Vùng 3: bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 45 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Số lượng học sinh/lớp của trường phổ thông dân tộc nội trú và trường trung học phổ thông chuyên thực hiện theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động.
Việc xác định số lượng học sinh/lớp được tính cụ thể theo từng cơ sở giáo dục, không xác định theo đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh.
Mỗi trường có 1 nhân viên tư vấn học sinh
Một số điểm mới đáng chú ý khác tại thông tư, như: vị trí việc làm y tế chuyển sang nhóm vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ; vị trí việc làm công nghệ thông tin được thay bằng vị trí việc làm quản trị công sở; bổ sung 1 vị trí việc làm tư vấn học sinh.
Do có chuyển đổi về nhóm danh mục nên đối với vị trí y tế học đường, công nghệ thông tin, thông tư mới cũng đã có điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm quyền lợi cho nhân viên y tế học trường, công nghệ thông tin đã được tuyển dụng cũng như đang thực hiện nhiệm vụ.
Theo Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), việc bổ sung 1 vị trí việc làm tư vấn học sinh trong trường phổ thông nhằm thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác tư vấn học sinh trong các trường phổ thông, theo quy định tại Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18.12.2017 của Bộ GD-ĐT.
Cụ thể, thông tư mới quy định: "Mỗi trường được bố trí một người làm nhiệm vụ tư vấn học sinh. Trường hợp không bố trí được biên chế thì hợp đồng lao động hoặc bố trí giáo viên kiêm nhiệm".
Theo Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, việc bổ sung người làm nhiệm vụ tư vấn học sinh thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến công tác tư vấn tâm lý học đường trong bối cảnh những bất ổn tâm lý trong học sinh là vấn đề nhức nhối trong thời gian qua với những biểu hiện tiêu cực như bạo lực học đường, tình trạng bắt nạt trên mạng, học sinh bị rối nhiễu tâm lý dẫn tới các hành vi lệch lạc, tiêu cực…
Bên cạnh đó, vị trí việc làm giáo vụ cũng được xác định ở cấp học tiểu học, THCS thay vì chỉ có ở cấp THPT và trường chuyên biệt, nhằm giảm áp lực một số công việc quản lý hành chính đối với học sinh của giáo viên các cấp học này.
Bộ GD-ĐT cũng lý giải, những vị trí việc làm không đủ khối lượng công việc thì bố trí kiêm nhiệm, những vị trí việc làm chưa bố trí được biên chế thì hợp đồng lao động hoặc kiêm nhiệm, người được bố trí kiêm nhiệm phải được đào tạo để đáp ứng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Thông tư cũng quy định cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập đang bố trí số lượng viên chức giáo viên thấp hơn định mức tối đa theo quy định tại thông tư do biên chế được giao không đủ theo định mức tối đa hoặc chưa tuyển dụng được thì căn cứ định mức tối đa quy định tại thông tư này để xác định số lượng giáo viên ký kết hợp đồng lao động.
Quy định này tạo căn cứ để các cơ sở giáo dục xác định số lượng hợp đồng lao động thực hiện theo quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30.12.2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm đủ số lượng người làm việc để triển khai thực hiện chương trình giáo dục.
Bộ GD-ĐT cho rằng, bản hướng dẫn mô tả vị trí việc làm trong thông tư có thể tạo điều kiện cho việc đánh giá năng lực, trình độ của viên chức một cách chính xác, khoa học, đảm bảo được tính công bằng, công khai và minh bạch.
Bình luận (0)