Bộ GD-ĐT tự mâu thuẫn!

27/10/2017 08:48 GMT+7

Việc Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo ngành sư phạm mầm non cho một trường ĐH ngoài công lập cũng như UBND TP.HCM kiến nghị để một số trường trung cấp không thuộc ngành sư phạm được liên kết, liên thông ngành học này khiến dư luận không khỏi lo ngại.

Điều này càng đáng ngại hơn khi đầu năm nay, Bộ GD-ĐT có công văn gửi các cơ sở đào tạo sư phạm về xác định chỉ tiêu tuyển sinh 2017. Theo đó, trước tình trạng dư thừa giáo viên và sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm, Bộ đang triển khai rà soát, xây dựng đề án quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm theo hướng giảm đầu mối các cơ sở đào tạo và thực hiện lộ trình cắt giảm chỉ tiêu khối ngành này.
Đào tạo theo nhu cầu của địa phương !
Bộ GD-ĐT vừa cho phép Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thí điểm đào tạo trình độ ĐH ngành giáo dục mầm non, chỉ tiêu đào tạo được giao trên cơ sở nhu cầu nhân lực của địa phương. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm tổ chức tuyển sinh, quản lý đào tạo và cấp văn bằng theo đúng các quy định hiện này.
Trước đó, dư luận cũng khá bất ngờ về những kiến nghị của UBND TP.HCM đề nghị Bộ GD-ĐT chấp thuận cho một số trường đào tạo liên kết liên thông hình thức vừa làm vừa học các ngành này như: CĐ Xây dựng số 2, TC Phương Nam… Các ngành được đề xuất đào tạo theo hình thức này ngoài giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học còn có sư phạm toán.

tin liên quan

Trường ĐH ngoài công lập được thí điểm đào tạo sư phạm
Bộ GD-ĐT vừa có quyết định cho phép Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thí điểm đào tạo trình độ ĐH ngành giáo dục mầm non. Sau 2 khóa sinh viên tốt nghiệp, trường này tổng kết đánh giá việc đào tạo, báo cáo và đề xuất với Bộ việc tiếp tục đào tạo.
Lý giải việc cấp phép cho Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng quyết định này được ký dựa trên đề nghị của TP.HCM về việc đào tạo sư phạm mầm non đáp ứng nhu cầu sử dụng trên địa bàn. Theo quy định hiện hành, việc mở ngành đào tạo sư phạm ngoài đáp ứng điều kiện quy định chung, hồ sơ còn phải có ý kiến của địa phương.
Ông Ga cho biết thêm đây là đào tạo theo nhu cầu xã hội dựa trên đặt hàng của TP.HCM, không phải đào tạo đại trà theo kiểu sinh viên ra trường tự tìm việc làm. Ở đó có sự liên kết chặt chẽ giữa địa phương và nhà trường, trường đảm bảo chất lượng còn địa phương có nhu cầu sử dụng.
Cũng theo ông Ga, giấy phép này có điều kiện về thời gian khi chỉ cho phép trường đào tạo thí điểm 2 khóa tốt nghiệp. Sau thời gian này trường phải báo cáo kết quả, nếu trường đáp ứng yêu cầu và địa phương có nhu cầu đặt hàng thì tiếp tục, còn không thì dừng lại.
Lo ngại chất lượng, bất cập học phí
Việc cho phép một trường ngoài công lập không thuộc ngành sư phạm đào tạo giáo viên hệ chính quy trong thời điểm này ngay lập tức đã nhận nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia.
Lãnh đạo một trường ĐH đào tạo sư phạm nói: “TP.HCM đang cần nhiều giáo viên mầm non nhưng các trường sư phạm đóng trên địa bàn không đáp ứng đủ là có thật. Tuy nhiên, việc cấp phép mới cho một trường ĐH tư thục làm việc này lại là chuyện khác. Vì theo tôi biết chưa có trường ĐH tư thục nào trên thế giới đào tạo giáo viên”.

tin liên quan

Trường cao đẳng xây dựng liên kết đào tạo sư phạm?

UBND TP.HCM vừa kiến nghị Bộ GD-ĐT chấp thuận cho Trường cao đẳng Xây dựng số 2 liên kết với Trường đại học Sư phạm TP.HCM đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học hệ vừa làm vừa học một số ngành sư phạm.

Một vấn đề cũng được đặt ra là học phí. Hiệu trưởng một trường ĐH cho biết theo quy định, sinh viên trúng tuyển ngành sư phạm và có cam kết phục vụ ngành sau khi ra trường sẽ được miễn học phí. “Vậy khi đào tạo sư phạm ở một trường ĐH tư thục hệ chính quy, học phí sẽ được tính thế nào? Không lẽ sinh viên có cam kết phục vụ ngành sẽ được miễn học phí và trường tư được hưởng kinh phí đào tạo từ ngân sách nhà nước? Nếu đúng như vậy thì có nhiều mâu thuẫn về chính sách học phí ở đây”, người này nói.
Trường đầy đủ năng lực mới xem xét việc cấp phép
Tối qua 26.10, trả lời Thanh Niên về phương án Trường CĐ Xây dựng số 2, Trường TC Phương Nam liên kết với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đào tạo liên thông hệ vừa làm vừa học các ngành sư phạm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu khẳng định theo quy định hiện hành, các trường đều có thể liên kết để đào tạo. Đối với các trường trên địa bàn, khi cần có ý kiến hiệp thương thì UBND TP đồng ý với mong muốn bổ sung thêm nguồn nhân lực cho TP vì một số ngành đang còn thiếu hụt giáo viên. “Ý kiến đồng ý đó không phải là “giấy thông hành” để các trường này tiến hành liên kết được ngay, mà theo quy định, Bộ GD-ĐT là cơ quan có thẩm quyền cao nhất về chuyên môn, và khi Bộ thẩm tra mà các trường đầy đủ năng lực mới xem xét việc cấp phép. Cần phải nói rõ thêm một vấn đề là các trường liên kết lo khâu tuyển sinh, cơ sở vật chất…, riêng chương trình, đội ngũ giảng viên thì về cơ bản đều do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đảm trách”, bà Thu nói.
Đình Phú
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), nhìn nhận cho phép trường ngoài công lập đào tạo sư phạm thì luật không cấm nhưng ở đây có “vướng” về chính sách học phí. Ở mô hình thí điểm này, có thể người học phải chấp nhận trả học phí hoặc đóng góp theo thỏa thuận và ra trường có thể làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập thay vì được miễn học phí như bình thường.
Cũng theo ông Vinh, vấn đề cần đặt ra ở đây còn ở việc đảm bảo chất lượng. Đặc biệt là với đặc thù của giáo viên mầm non, ngoài kiến thức, kỹ năng chuyên nghiệp còn cần tình yêu trẻ cũng như các phẩm chất, năng khiếu khác. Tỏ ra lo ngại về chất lượng đầu vào, cán bộ đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM nhận định: “Có thể sẽ thêm một trường ĐH có điểm trúng tuyển sư phạm ở mức sàn. Nếu như vậy sẽ có tác động rất lớn về sau”.
Nói một đường làm một nẻo !
Theo nhiều chuyên gia, quyết định của Bộ cho thấy phần nào sự mâu thuẫn giữa chủ trương và thực tế trong việc siết chặt đào tạo sư phạm. Việc “nói một đường làm một nẻo” của Bộ GD-ĐT trong vấn đề này, khiến cho dư luận không khỏi hoài nghi về chủ trương mà trước đó Bộ đã đưa ra.
Nguyên lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng vài năm gần đây chính Bộ là người đưa ra nhiều văn bản cảnh báo hạn chế đào tạo các ngành giáo viên ngay ở bậc chính quy với các trường sư phạm (giảm 20% chỉ tiêu mỗi năm). Vậy nếu thiếu, tại sao Bộ lại cắt giảm chỉ tiêu ở các trường sư phạm lớn để rồi cho phép trường tư chưa hề có ngành sư phạm được đào tạo ngành này?
Còn nhớ kỳ tuyển sinh năm nay, một số trường sư phạm có điểm trúng tuyển 10 điểm/3 môn đã gây nhiều bức xúc cho dư luận. Sau đó, ngày 16.8, Bộ GD-ĐT phải tổ chức buổi làm việc với các trường đào tạo sư phạm.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các trường đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng, không để xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ như thời gian qua.
Tiếp đó, trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về chủ đề trường sư phạm, ông Nhạ cho biết Bộ sẽ siết chặt chỉ tiêu đào tạo các ngành này đồng thời tập trung xử lý các vấn đề đang tồn tại, sau 5 năm sẽ nâng cao chất lượng ngành sư phạm. Giải pháp đưa ra trong buổi làm việc là giải thể, sáp nhập trường sư phạm yếu kém với trường lớn hoặc trở thành trung tâm đào tạo trong thời gian tới.
Với những diễn biến như hiện nay, liệu Bộ GD-ĐT có thực hiện được chủ trương đã đặt ra?
Bỏ quy định hộ khẩu trong tuyển dụng giáo viên mầm non
Tháng 5 năm nay, trong đề xuất chính sách thu hút và giữ chân giáo viên (GV) mầm non với HĐND TP.HCM, UBND TP thống kê, hiện nay bậc học mầm non còn thiếu 11.014 GV, riêng trường công thiếu khoảng 7.600 người. Nhu cầu mỗi năm TP cần 1.965 GV nhưng chỉ tuyển được 1.466 chỉ tiêu, tức là hằng năm vẫn thiếu khoảng 500 chỉ tiêu.
Theo UBND TP, một trong những nguyên nhân của thực trạng thiếu nhân sự ở bậc học này do nguồn tuyển của các trường sư phạm. Thống kê trong 3 năm 2014 - 2016, có từ 1.056 - 2.648 sinh viên tốt nghiệp ngành học mầm non từ trung cấp đến ĐH và chỉ có 30% giáo sinh có hộ khẩu TP. Nếu tất cả có nhu cầu vào hệ thống giáo dục mầm non và tuyển dụng hết thì vẫn thiếu nguồn dự tuyển để đảm bảo đủ GV theo quy định. Do vậy, đầu tháng 7, HĐND TP đã có chính sách thu hút GV mầm non bằng cách cho phép tuyển dụng GV không quy định hộ khẩu.
B.Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.