Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ sắp thay đổi về định mức giáo viên

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
08/03/2023 12:52 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đã thống nhất điều chỉnh quy định từ định mức giáo viên trên một lớp sang định mức giáo viên trên số lượng học sinh của mỗi lớp theo từng vùng, miền.

Cử tri tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ để quy định lại định mức giáo viên, học sinh/lớp (nhất là ở các vùng núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn), những nơi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, để đảm bảo phát triển giáo dục bền vững; không nên dồn lớp cơ học để ảnh hưởng tới việc duy trì sĩ số, chống lưu ban, bỏ học; thực hiện có hiệu quả, bền vững phổ cập giáo dục ở tất cả các địa bàn.

Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ sắp thay đổi về định mức giáo viên - Ảnh 1.

Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ sắp thay đổi quy định về định mức giáo viên

M.C

Về vấn đề định mức giáo viên/lớp, trả lời bằng văn bản, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: triển khai thực hiện Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10.9.2020 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ triển khai xây dựng thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.

Trong đó, Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đã thống nhất điều chỉnh quy định từ định mức giáo viên/lớp sang định mức giáo viên/số lượng học sinh/lớp theo từng vùng, miền. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang xin ý kiến thống nhất với Bộ Nội vụ để hoàn thiện dự thảo thông tư và ban hành theo thẩm quyền.

Ngoài nội dung trên, cử tri tỉnh Ninh Thuận cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT ban hành thông tư quy định số lượng học sinh tối đa trên một lớp đối với cấp THCS, THPT không quá 40 học sinh/lớp để đảm bảo hiệu quả khi áp dụng phương pháp dạy học mới.

Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT dẫn quy định tại khoản 3 điều 16 Thông tư số 32/2020/TT-BGD-ĐT ngày 15.9.2020 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, sĩ số học sinh tối đa 45 học sinh/lớp; trong đó có yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương có giải pháp giảm sĩ số học sinh trên lớp phù hợp, nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo Bộ GD-ĐT, trong điều kiện còn khó khăn, chưa đủ trường, lớp, giáo viên để giảm sĩ số học sinh trên lớp, việc tổ chức hoạt động học của học sinh theo các phương pháp dạy học tích cực có khó khăn hơn so với lớp ít học sinh.

"Tuy nhiên, nếu xây dựng được kế hoạch bài dạy (giáo án) phù hợp, tăng cường các hoạt động học để từng bước nâng cao năng lực tự chủ và tự học của học sinh qua từng bài học, thì hiệu quả áp dụng phương pháp dạy học mới sẽ từng bước được nâng cao", Bộ GD-ĐT gợi ý cách làm.

Để hỗ trợ các nhà trường, giáo viên trong việc thực hiện phương pháp đánh giá tích cực, Bộ GD-ĐT cho biết đã có nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể. Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương, nhà trường, giáo viên nghiên cứu để tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nhằm triển khai một cách hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.