Bộ GD-ĐT yêu cầu tuyển hết biên chế giáo viên, nhưng...

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
28/08/2023 17:16 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mới đây yêu cầu các địa phương phải tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù có chỉ tiêu nhưng có tuyển được hay không lại phụ thuộc từng địa phương.

Trong quyết định về kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023 - 2024 của ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo T.Ư bổ sung biên chế ngành giáo dục năm học 2023 - 2024 trong tổng số biên chế giáo viên được bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18.7.2022 của Bộ Chính trị.

"Các địa phương tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu; sắp xếp, điều tiết giáo viên giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ; bố trí đủ giáo viên dạy học các môn ngoại ngữ và tin học để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018", quyết định nêu.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng đề nghị các địa phương nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác.

Bộ GD-ĐT yêu cầu tuyển hết biên chế giáo viên, nhưng...   - Ảnh 1.

Thiếu giáo viên, dù không còn dịch bệnh nhưng nhiều nơi học sinh phải học trực tuyến với sự hỗ trợ của trường khác

M.V

Thông tin này trên Báo Thanh Niên đã nhận rất nhiều quan tâm, bình luận của bạn đọc. Nhiều ý kiến phản ánh tình hình thực tế về tuyển dụng biên chế giáo viên ở địa phương họ, những rào cản đến từ chủ quan và khách quan ở các địa phương.

Bạn đọc Phạm Hoan viết: "Tuyển dụng bằng cách nào khi mà không có người nộp hồ sơ tham gia tuyển dụng? Hơn nữa, việc tuyển dụng giáo viên không phải do ngành giáo dục quyết định mà do UBND các cấp, sở, phòng nội vụ. Không thân quen, không… thì đừng mơ….".

Ý kiến bình luận này cũng nhận được nhiều lượt đồng tình nhất của bạn đọc, và đáp lại rằng "đây là việc nhức nhối nhất của quy trình thi tuyển"…

Rất nhiều bạn đọc bình luận bày tỏ lo ngại dù Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ đạo như vậy nhưng quyền tuyển dụng giáo viên lại không thuộc ngành GD-ĐT. Bạn đọc khác thì phản ánh: "Bộ thì chỉ đạo như vậy nhưng địa phương quá lề mề như huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk ra kế hoạch từ năm 2022 đến giờ vẫn chưa tuyển trong khi các địa phương khác tuyển nhiều đợt có chính sách thu hút giáo viên, bao nhiêu giáo viên hợp đồng phải chịu thiệt thòi, bức xúc".

Bạn đọc Chi Dao Dang viết: "Cháu tôi bằng loại giỏi đây mà giờ đi bán quần áo. Thật sự quá buồn!"…

Về chính sách để giáo viên yên tâm công tác như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhiều bạn đọc cũng chia sẻ nhiều bất cập về thu nhập của giáo viên, đặc biệt là giáo viên hợp đồng.

Bạn đọc Dư Phùng đề nghị: "Bộ GD-ĐT cần cho chính sách trả lương cho giáo viên hợp đồng bằng giáo viên biên chế, tức là có phụ cấp ưu đãi và lương chính, chứ giáo viên hợp đồng lâu nay chỉ được trả bằng 50.000 đồng/tiết dạy, 3 tháng hè không có lương trong khi công việc của giáo viên hợp đồng và biên chế đều như nhau thì giáo viên hợp đồng thiệt thòi quá".

Thiếu nguồn tuyển, cho "nợ chuẩn" được không?

Cùng chia sẻ thực tế thiếu nguồn tuyển, bạn đọc Vinh Phạm đặt câu hỏi: "Bộ GD-ĐT có biết là các địa phương muốn tuyển đủ giáo viên nhưng ít người dự thi không?".

Để giải quyết vấn đề thiếu nguồn tuyển, nhất là yêu cầu trình độ đào tạo đại học với giáo viên tiểu học như hiện nay, bạn đọc Ninh Ut đề nghị Bộ GD-ĐT tham mưu với Bộ Nội vụ cho nợ bằng đại học và khi trúng tuyển mới nâng đạt chuẩn.

Việc có biên chế giáo viên nhưng thiếu nguồn tuyển cũng được nhiều địa phương nêu lên tại các hội nghị của ngành GD-ĐT thời gian gần đây.

Tại hội nghị Phát triển GD-ĐT vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, báo cáo thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết 14 tỉnh, thành ở miền Trung được giao tuyển hơn 6.500 giáo viên mới, nhưng sau 1 năm chỉ tuyển được gần 70%. Hầu hết các tỉnh không tuyển đủ chỉ tiêu được giao.

Lý giải việc không tuyển dụng đủ giáo viên, các tỉnh cho rằng chính sách sử dụng, đãi ngộ nhà giáo còn một số bất cập, chưa tạo động lực về vật chất và tinh thần để khuyến khích, thu hút họ.

Việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng giáo viên còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Cơ quan chuyên môn là sở, phòng GD-ĐT không phải là đơn vị chủ trì về tuyển dụng nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 mới đây, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, cũng nêu thực thực tế thiếu giáo viên mà không có nguồn tuyển dù tỉnh đã có chính sách hỗ trợ 100 triệu đồng với một giáo viên dạy tiếng Anh công tác ở các huyện vùng cao nhưng không tuyển được trường hợp nào.

Ông Duy nêu thực tế hiện tỉnh có 200 sinh viên cao đẳng sư phạm là con em các đồng bào dân tộc, đi học bằng ngân sách của tỉnh ra trường nhưng vì chuẩn đào tạo với giáo viên phổ thông theo luật Giáo dục mới là trình độ độ đại học nên tỉnh không thể tuyển đối tượng này.

Do vậy, ông Duy đề nghị có chính sách cho phép các địa bàn khó khăn như Yên Bái được phép tuyển giáo viên trình độ cao đẳng sau đó vừa đi dạy vừa học liên thông lên đại học (yêu cầu thời hạn trong khoảng 5 năm phải đạt chuẩn trình độ đào tạo). Điều này vừa giải quyết việc thiếu giáo viên mà không có nguồn tuyển của địa phương, vừa tạo cơ hội việc làm cho những người tốt nghiệp cao đẳng sư phạm nêu trên. 

Nhiều địa phương không tuyển mới để trừ 10% tinh giản biên chế

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho rằng hiện cả nước còn hơn 74.000 chỉ tiêu biên chế được giao cho các địa phương nhưng chưa được tuyển dụng.

Bộ GD-ĐT cho rằng, việc thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở nhiều địa phương còn thực hiện một cách cơ học. Thậm chí, một số địa phương không tuyển dụng mới giáo viên để thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.