(TNO) Ngày 26.4, tin từ Văn phòng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết Bộ GTVT vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo, đề xuất về quản lý hoạt động đối với xe 4 bánh có gắn động cơ (chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng).
Ô tô điện hoạt động tại Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Tại 10 địa phương trên hiện có 30 DN, một số hộ kinh doanh cá thể, với 1.086 phương tiện (trong đó: 1.069 xe chạy bằng năng lượng điện; 17 xe sử dụng động cơ xăng do đặc thù trên đảo của Công ty TNHH thương mại Quốc Hưng hoạt động tại Cát Bà, Hải Phòng) đang hoạt động.
Bộ GTVT cho rằng sau một thời gian triển khai, các dự án sử dụng phương tiện trên phục vụ người dân và du khách đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: cơ bản đảm bảo tuyệt đối an toàn, tạo sự văn minh, thuận tiện trong công tác phục vụ du lịch, đồng thời thân thiện môi trường, ít gây ô nhiễm, tiếng ồn nhỏ hơn các loại phương tiện vận chuyển khách khác, tốc độ di chuyển của phương tiện thấp nên đảm bảo an toàn khi lưu thông, chưa xảy ra vụ tai nạn nào liên quan đến loại xe này gây thương tích cho người và phương tiện khác khi lưu thông. Đây là loại phương tiện giao thông sạch, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường; hoạt động của xe 4 bánh chạy năng lượng điện đang rất được người dân quan tâm; nó đã thể hiện tính ưu việt là giảm ô nhiễm môi trường và tránh ùn tắc giao thông, xây dựng hình ảnh du lịch văn minh, hiện đại.
Cũng theo đánh giá của Bộ GTVT, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian thí điểm vừa qua còn tồn tại một số hạn chế: do loại phương tiện này chưa được quy định trong luật Giao thông đường bộ nên việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp biển số, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, áp biểu tính các loại thuế, phí cầu đường, biểu tính thu tiền quỹ bảo trì đường bộ... gặp khó khăn cho cả cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp. Đây là hoạt động của phương tiện chở khách (đa số là khách du lịch) có thu tiền nhưng chưa có quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh, giá cước (do chưa được quy định trong luật Giao thông đường bộ). Hiện tại đang thực hiện thí điểm theo các dự án được Thủ tướng đồng ý thí điểm, bên cạnh đó một số địa phương do nhu cầu thực tế về du lịch đã chủ động tổ chức thực hiện, cần có sự đồng bộ để triển khai nhằm tạo sự bình đẳng và đáp ứng nhu cầu thực tế của các địa phương trong cả nước.
Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép loại hình phương tiện 4 bánh có gắn động cơ (chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng đối với vùng đảo, hải đảo) được hoạt động chính thức trong vùng hạn chế tại các tỉnh, thành phố (hoạt động trong khu phố cổ, khu du lịch, di tích lịch sử theo tuyến đường và phạm vi cố định, đáp ứng đúng mục đích phục vụ chủ yếu khách du lịch); Giao UBND cấp tỉnh quy định phạm vi khu vực hạn chế, tuyến đường và số lượng phương tiện được phép đầu tư hoạt động trên địa bàn địa phương mình, đảm bảo phù hợp với nhu cầu, đồng thời không ảnh hưởng đến trật tự giao thông đô thị (có thỏa thuận thống nhất với Bộ GTVT để quản lý về số lượng phương tiện); Chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương có quy định và hướng dẫn thực hiện cấp đăng ký, cấp biển số cho loại phương tiện này.
Giao Bộ Tài chính bổ sung danh mục và mức tính các loại thuế đối với loại phương tiện này (không áp bằng ô tô như hiện nay); mức thu phí, lệ phí kiểm định; phí cầu đường, phí bảo trì đường bộ; xây dựng và kê khai giá đối với loại phương tiện này; Giao Bộ GTVT xây dựng nghị định quy định về quản lý hoạt động đối với xe 4 bánh có gắn động cơ để trình Chính phủ xem xét ban hành vào quý IV/2015.
Bình luận (0)