Trầy trật vì giấy chuyển viện
Giữa năm 2020, bà T. (ở tỉnh Đắk Lắk) lên cơn khó thở, ngất xỉu. Người nhà đưa bà đến cấp cứu tại một bệnh viện tuyến tỉnh trên địa bàn. Bà T. được chẩn đoán hở van tim, viêm phổi nặng, tiên lượng nguy kịch, chuyển vào phòng hồi sức tích cực để cách ly và chăm sóc riêng.
Trong ngành y có những triệu chứng xuất hiện ở thời điểm này, tới thời điểm sau lại mất, nhưng rất có giá trị cho chẩn đoán, nếu mình không có giấy chuyển tuyến thì mình không biết được bệnh nhân đã xuất hiện triệu chứng đó, vô tình làm hại thêm bệnh nhân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức
Sau 3 ngày điều trị, bệnh viện chỉ định siêu âm tim, chụp X-quang ngực và một số xét nghiệm liên quan. Bà T. được đặt ống nội khí quản, cho ăn qua ống sonde dạ dày. Bước sang ngày thứ 4, bệnh tình không mấy tiến triển, gia đình bà T. hỏi thì bác sĩ cho biết vẫn tiếp tục điều trị theo phác đồ và chờ đợi "còn nước còn tát".
Quá nóng ruột, gia đình bà T. tham khảo ý kiến một số bác sĩ ở bệnh viện khác và thống nhất xin chuyển bà vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), với hy vọng trình độ và thiết bị y tế tốt sẽ mang lại tín hiệu tích cực. Song, bác sĩ tuyến tỉnh không đồng ý với lý do tình trạng bệnh nhân nặng, di chuyển sẽ nguy hiểm và điều trị ở đâu cũng vậy.
Gia đình bà T. liên tục đề nghị, đồng thời nhờ các mối quan hệ riêng tác động bệnh viện mới đồng ý cho bà T. chuyển viện với điều kiện ký giấy cam kết "chịu mọi trách nhiệm" về tình trạng người bệnh. Hơn một ngày từ khi đề xuất chuyển tuyến, gia đình bà T. nhận được giấy đồng ý và đưa vào TP.HCM. Nhờ vậy, bà T. qua cơn nguy kịch, xuất viện sau 3 ngày điều trị nội trú.
"Từng nghe rất nhiều câu chuyện khó khăn khi đề nghị chuyển viện, nhưng không ngờ rơi vào trường hợp của mình còn ngoài cả sức tưởng tượng. Nếu lúc đó gia đình thiếu quyết liệt, không biết tình trạng của mẹ tôi sẽ như thế nào", con gái bà T. kể.
Bệnh hiểm nghèo lên thẳng tuyến trên không cần giấy chuyển viện
Tại dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật BHYT, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khám, chữa bệnh BHYT, Chính phủ đề xuất, người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao có thể đến khám, chữa bệnh tại bất cứ bệnh viện nào mà không cần làm thủ tục xin giấy chuyển viện BHYT.
Đây là đề xuất nhận được sự đồng tình của nhiều người dân, ĐB Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều ĐB đề nghị Bộ Y tế phải sớm ban hành danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao để khi luật có hiệu lực từ 1.1.2025 có thể áp dụng được ngay. Đại diện Bộ Y tế cho biết danh mục này cần được Hội đồng chuyên môn thông qua và Bộ Y tế đang trong quá trình soạn thảo, sẽ sớm ban hành.
Câu chuyện về giấy chuyển viện đã được nhắc đến nhiều năm nay như một nỗi trần ai với bệnh nhân và người nhà. Cuối tháng 11.2023, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu (ĐB) Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP.Hà Nội) từng thẳng thắn phản ánh người dân "rất phiền toái, rất mất thời gian, rất mệt mỏi" vì phải xin giấy chuyển viện, do đó rất nên bãi bỏ loại giấy tờ này, để người dân có bảo hiểm y tế (BHYT) muốn khám ở đâu cũng được.
Được gì, mất gì ?
Để hiện thực hóa chủ trương xóa bỏ địa giới hành chính trong khám, chữa bệnh BHYT, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ thủ tục giấy chuyển viện. Khi ấy, người bệnh sẽ hưởng lợi nhiều nhất, khi họ được tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế thông qua việc có thể khám, chữa bệnh ở bất cứ đâu. Bỏ giấy chuyển viện cũng đồng nghĩa sẽ thông tuyến toàn bộ, giúp người bệnh giảm chi phí từ tiền túi, bởi họ sẽ được BHYT thanh toán tối đa quyền lợi cho dù khám đúng hay trái tuyến.
Thế nhưng, đánh đổi cho việc gia tăng quyền lợi người bệnh, Quỹ BHYT sẽ phải gồng gánh áp lực nhiều hơn. Theo quy định hiện hành, người bệnh dù khám trái tuyến tại cơ sở y tế tuyến xã hoặc tuyến huyện thì vẫn được hưởng 100% BHYT. Người bệnh khám trái tuyến tại cơ sở y tế tuyến tỉnh trên toàn quốc thì được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú, tại cơ sở y tế tuyến T.Ư thì được hưởng 40%; riêng khám ngoại trú thì không được hưởng.
Tại dự thảo luật BHYT sửa đổi, Chính phủ đề xuất thanh toán thêm 50% chi phí điều trị ngoại trú cho người bệnh có BHYT nhưng khám trái tuyến tại cơ sở y tế tuyến tỉnh. Chính phủ ước tính với đề xuất nêu trên, Quỹ BHYT sẽ tăng 1.131 tỉ đồng mỗi năm. Điều này có thể ảnh hưởng tới khả năng cân đối quỹ nếu mức đóng BHYT không tăng.
Chỉ với việc bổ sung 50% chi phí điều trị ngoại trú cho người khám trái tuyến tại cơ sở y tế tuyến tỉnh, số tiền mỗi năm Quỹ BHYT phát sinh lên tới cả ngàn tỉ đồng. Nếu áp dụng việc bỏ giấy chuyển viện, nghĩa là bổ sung thêm 50% chi phí ngoại trú khi khám trái tuyến cấp tỉnh, 60% chi phí nội trú và 100% chi phí ngoại trú khi khám trái tuyến cấp T.Ư, gánh nặng với Quỹ BHYT sẽ tăng gấp nhiều lần.
Quan trọng hơn, việc bỏ giấy chuyển viện sẽ dẫn tới mất cân đối trầm trọng giữa hệ thống y tế cơ sở và tuyến trên. Người bệnh không khám ở trạm y tế và bệnh viện huyện nữa, mà đi thẳng lên bệnh viện tuyến T.Ư. "Bây giờ giao thông thuận lợi, người ta cứ lên Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức, T.Ư Huế…", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức lo ngại, và cho rằng chỉ cần 1 - 2 năm như vậy sẽ triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở.
Chưa kể, số lượng bệnh nhân đổ dồn còn khiến hệ thống y tế cơ sở tuyến trên quá tải. Ông Thức lấy ví dụ trước đây một bác sĩ mỗi ngày khám khoảng 20 bệnh nhân, nếu thông tuyến toàn diện thì số bệnh nhân có thể tăng lên đến 200, như vậy thì "không có bác sĩ nào khám nổi, sẽ vỡ trận".
Lỗi không nằm ở tờ giấy chuyển viện
ĐB Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cũng cho rằng bỏ giấy chuyển viện, cho phép thông tuyến để người bệnh đến khám chữa bệnh ở cơ sở khác không cần giấy chuyển tuyến mặc dù "nghe có vẻ hỗ trợ cho người tham gia BHYT tiếp cận dịch vụ thuận lợi hơn", song có thể sẽ giảm cơ hội phát hiện sớm một số triệu chứng bệnh do người bệnh đã bỏ qua chăm sóc sức khỏe ban đầu để lên khám chữa bệnh tại tuyến cao hơn, kể cả trong trường hợp không cần thiết. "Điều này sẽ dẫn đến giảm hiệu suất, thậm chí phá vỡ phân cấp chuyên môn của hệ thống y tế", bà Khánh Thu nói.
Theo bà Trần Khánh Thu, nguyên nhân khiến người dân bức xúc không nằm ở tờ giấy chuyển viện, mà do quá trình xin chuyển viện và cấp giấy chuyển viện nhiều lúc khó khăn. Còn bản chất quy định chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, cần thiết trong việc xử lý khám, chữa bệnh cho người dân. Giấy chuyển tuyến ngoài cung cấp thông tin hành chính còn cung cấp tình trạng bệnh, lịch sử điều trị…, giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời về người bệnh để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người bệnh được nhanh chóng, thuận tiện.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức cũng xác nhận giấy chuyển viện có vai trò rất quan trọng. "Trong ngành y có những triệu chứng xuất hiện ở thời điểm này, tới thời điểm sau lại mất, nhưng rất có giá trị cho chẩn đoán, nếu mình không có giấy chuyển tuyến thì mình không biết được bệnh nhân đã xuất hiện triệu chứng đó, vô tình làm hại thêm bệnh nhân", ông Thức nói và đề nghị nếu bỏ giấy chuyển viện thì chỉ nên áp dụng với cấp ban đầu và cấp cơ bản, riêng chuyển lên cấp chuyên sâu thì bắt buộc phải có.
Để người dân không còn mệt mỏi, bức xúc với giấy chuyển viện, trong khi không thể bãi bỏ thủ tục này, nhiều ĐB Quốc hội cho rằng, giải pháp là đơn giản hóa việc cấp giấy.
ĐB Trần Khánh Thu kiến nghị thay vì mở tỷ lệ thanh toán cho cơ sở y tế tuyến trên đối với bệnh nhân vượt tuyến thì có thể tạo cơ chế thanh toán "danh chính ngôn thuận" khi bác sĩ của tuyến trên tăng cường về điều trị tại tuyến dưới, ví dụ bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) có thể về bệnh viện tỉnh, thậm chí về bệnh viện huyện để điều trị. Điều này sẽ giải quyết được phần nào nhu cầu chuyển viện của bệnh nhân.
Ngoài ra, Bộ Y tế phải khắc phục bất cập về việc danh mục thuốc tại y tế cơ sở ít và nghèo nàn hơn so với tuyến trên, trong khi điều trị cùng một bệnh. Giải pháp là xây dựng danh mục thuốc BHYT sao cho đồng nhất giữa các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là với các trường hợp bệnh mạn tính, để người dân không còn quan niệm lên bệnh viện T.Ư thì "túi thuốc mang về được nhiều hơn, to hơn" so với bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện.
Có thể tích hợp giấy chuyển viện trên VNeID
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, cho biết bộ đang áp dụng công nghệ thông tin nhằm giải quyết bức xúc trong cấp giấy chuyển viện. Theo đó, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại có thể được tích hợp trên ứng dụng VNeID. Tức là chuyển dữ liệu từ cơ sở khám chữa bệnh lên dữ liệu chung của BHXH, sau đó chuyển dữ liệu sang cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Thông qua ứng dụng VNeID, người dân có thể nhìn thấy giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại. Theo cách này sẽ đơn giản hóa việc cấp giấy chuyển viện, giảm thủ tục cho người dân.
Bình luận (0)