Học sinh ngại giơ tay
Trong nội quy của nhiều trường, yêu cầu trong giờ học, học sinh (HS) phải hăng hái phát biểu xây dựng bài. Đây còn là một trong những tiêu chí để đánh giá ý thức học tập và hạnh kiểm của HS, phê vào học bạ.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), nhìn nhận thực tế tồn tại một bộ phận giáo viên (GV) thường đặt ra những câu hỏi quá dễ, nội dung câu trả lời có sẵn trong sách giáo khoa. Thậm chí có GV đưa ra những câu hỏi rất buồn cười, vô duyên.
Các chuyên gia giáo dục cũng chỉ ra một thói quen mà nhiều GV mắc phải, là thường gọi HS khá giỏi. Nói về điều này, TS Giáp Văn Dương cho rằng: “Một nhóm HS khá giỏi không phải là đại diện chung cho cả lớp. Vì thế, muốn biết được chất lượng của bài giảng ra sao, HS có tiếp thu được hay không, thì cần có ý kiến của các nhóm đa dạng khác nhau”.
L.T, HS lớp 11 Trường THPT Trần Phú (Q.Bình Tân, TP.HCM), cho biết: “Em chẳng muốn làm “cỗ máy” giơ tay để rồi bạn bè trong lớp bảo trả lời câu hỏi mà ai cũng biết”.
Giơ tay phát biểu là nguyên tắc sư phạm
Theo PGS Văn Như Cương, để cho HS phát biểu ý kiến hay hỏi HS giơ tay phát biểu chắc chắn phải làm. Nếu không hỏi HS thì chỉ tồn tại sự trao đổi theo kênh một chiều, từ GV nói xuống HS, HS không có cơ hội bày tỏ thì không thể kiểm tra được mức độ chuyển tải bài giảng, liệu HS có hiểu bài hay không.
|
Theo TS Giáp Văn Dương, khuyến khích HS bày tỏ ý kiến của mình, tham gia khám phá tri thức, phản hồi lại cách dạy của GV là cần thiết. Cách phổ biến nhất là giơ tay phát biểu. Qua đó GV sẽ biết được chất lượng bài giảng của mình thông qua phản hồi của người học. Còn HS sẽ có cơ hội thể hiện mình, khám phá và phần nào là tạo ra tri thức cho mình.
Nếu HS không tham gia, thì sẽ trở nên thụ động, chấp nhận dạy sao học vậy, mà không được thể hiện mình, tạo cơ hội cho mình chững chạc trưởng thành hơn, hoặc làm cho việc nắm bắt tri thức sâu sắc hơn. Dần dà sẽ tạo ra một sự “dửng dưng” với các nội dung giảng dạy. Đây là điểm bắt đầu của sự thất bại trong giáo dục.
Cần nhiều cách sáng tạo hơn
Tuy nhiên, cũng theo TS Giáp Văn Dương, nếu chỉ có cách duy nhất là giơ tay để tham gia bài học thì sẽ nhàm chán, nếu giơ tay quá nhiều thì sẽ tạo cảm giác chiếm dụng không gian của người khác, HS yếu hơn sẽ bị bỏ rơi. Nếu lạm dụng việc giơ tay phát biểu, rất có thể người giơ tay, và cả thầy cô, sẽ vô tình tạo ra một sự bất bình đẳng trong giáo dục.
Chính vì thế, theo TS Dương thì GV trong những giờ thảo luận giống như người nhạc trưởng, có thể chỉ định, có thể lựa chọn ngẫu nhiên. “Việc khuyến khích HS tham gia xây dựng bài học là cả một nghệ thuật. Không nhất thiết chỉ có hình thức giơ tay. Giơ tay là cách thô sơ nhất để tham gia tiết học. Tham gia thảo luận nhóm, làm bài tập nhóm, viết bài luận, thậm chí để các bạn giỏi lên giảng bài cho cả lớp nghe, đều là cách thu hút HS tham gia vào giờ học.
Nếu có những cách tham gia khác sáng tạo hơn, bình đẳng hơn, như thảo luận nhóm, làm bài tập nhóm, thuyết trình trước lớp… thì GV nên ủng hộ cách đó, thay vì chỉ giơ tay chờ phát biểu đơn thuần. Như khi đi dạy, chỉ định người phát biểu, hoặc lựa chọn ngẫu nhiên, là cách mà tôi ít dùng nhất. Tôi thường chọn cách khuyến khích người học chủ động chia sẻ ý kiến, cảm nhận, hoặc khám phá của riêng mình, thay vì chỉ định họ phát biểu”, TS Dương nói.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng mỗi GV cần có sự đầu tư cho mỗi tiết dạy, chọn phương pháp mô hình phù hợp để tạo nên không khí năng động, yêu thích của người học, không khí học tập hào hứng. Đồng thời, phát huy tính chủ động tích cực của người học, đem lại hiệu quả tốt nhất trong việc tiếp thu tri thức cho HS.
Nhiều phương pháp dạy hay
Theo bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM), một trong những tiêu chí để đánh giá giờ dạy tốt là GV phải quan tâm mọi đối tượng HS, động viên khuyến khích người thụ động. Nếu HS không giơ tay thì cũng phải gọi. Nếu HS nào giơ tay nhiều thì gọi HS khác. GV thay vì chỉ định HS khá giỏi thì hãy gọi theo số thứ tự, gọi theo ngày...
Tại trường, ngoài việc đặt câu hỏi, gọi HS phát biểu thì còn nhiều phương pháp để tạo ra những tiết học sinh động. Như cho HS làm việc theo nhóm, tự tìm đề tài, tổ chức thuyết trình. Sau đó cả lớp cùng thảo luận, bàn bạc...
Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM), cho biết GV ý thức được việc mỗi tiết dạy phải gọi ít nhất 70 - 80% HS. Những HS thụ động, ít phát biểu, có sức học yếu càng được quan tâm. Ngoài việc đối đáp bằng cách hỏi, trả lời, thì trong trường còn có phương pháp trả lời bằng thẻ “Yes”, “No”. Khi GV đặt câu hỏi, tất cả HS đều tham gia trả lời bằng cách giơ thẻ.
|
Bình luận (0)