Bộ GTVT lên tiếng về thông tin ‘bảo hộ cho hãng hàng không quốc gia’

Mai Hà
Mai Hà
15/04/2020 19:37 GMT+7

Trước thông tin cho rằng Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng không xây dựng chính sách bảo hộ đối với hãng hàng không quốc gia, Bộ GTVT chiều 15.4 đã lên tiếng bác bỏ.

Trước đó, trong văn bản ngày 26.3 của Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong mục “Những đề xuất của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền Bộ GTVT đang xem xét xử lý” có nêu: Bộ GTVT giao Cục Hàng không khẩn trương nghiên cứu, giải quyết sớm theo thẩm quyển về nghiên cứu chính sách bảo hộ đối với hãng hàng không quốc gia trong vấn đề phân bổ slot, kiểm soát tăng trưởng vận tải hàng không nội địa để giúp các hãng hàng không quốc gia phát triển bền vững.
Nhiều ý kiến cho rằng chính sách bảo hộ với một hãng hàng không là không bình đẳng với các hãng hàng không còn lại.
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ GTVT, nội dung này chỉ là tổng hợp ý kiến kiến nghị của các doanh nghiệp được gửi về Bộ trước ngày 26.3. “Bộ có trách nhiệm tổng hợp để báo cáo Thủ tướng theo đúng yêu cầu. Đây không phải là ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT", Bộ GTVT khẳng định.
Cũng theo Bộ GTVT, về phương án tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành giao thông, cụ thể là ngành hàng không, bộ này đã tổng hợp đầy đủ các kiến nghị của các doanh nghiệp trên tinh thần khách quan, công bằng, minh bạch.
Theo đó, tại văn bản ngày 8.4 báo cáo phục vụ hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Bộ GTVT đã báo cáo cụ thể 5 giải pháp. Trong đó, Bộ kiến nghị giải pháp tạo điều kiện cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không sau thời gian hết dịch liên quan đến việc sử dụng slot tại các cảng hàng không Việt Nam (không áp dụng việc tính slot lịch sử trong việc phân bổ slot cho các hãng hàng không Việt Nam).

Không nên bảo hộ bất kỳ hãng nào

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bày tỏ băn khoăn với chính sách bảo hộ Vietnam Airlines và cho rằng điều này trái với luật Hàng không, không phù hợp với cam kết quốc tế và vi phạm nguyên tắc mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng. 
“Nếu không có cạnh tranh, chất lượng và giá cả của dịch vụ hàng không khó lòng được cải thiện. Người dân sẽ không được hưởng lợi gì. Các hãng hàng không trong nước có cạnh tranh bình đẳng với nhau để vươn lên thì năng lực của toàn bộ ngành hàng không quốc gia mới được tăng cường. Trong một nền kinh tế mở điều này là rất quan trọng, vì ngành hàng không Việt Nam phải cạnh tranh với hàng không thế giới”, ông Dũng nói.
Trên thực tế, Quyết định 236/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ: “Tiếp tục phát triển hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines là lực lượng vận tải hàng không nòng cốt, có năng lực cạnh tranh quốc tế thuộc nhóm hàng đầu ASEAN”. Song đồng thời, quyết định cũng nêu, tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam cùng phát triển, đẩy mạnh khai thác thị trường vận chuyển hành khách, hàng hóa nội địa và quốc tế.
Theo một chuyên gia hàng không, Vietnam Airlines giữ vị trí nòng cốt của hãng hàng không quốc gia, đi kèm với các nghĩa vụ, trách nhiệm an ninh, kinh tế, chính trị. Song song với đó, các chính sách không triệt tiêu vai trò phát triển của các hãng hàng không khác. Điều này cho thấy, quyết định của Thủ tướng Chính phủ đặt Vietnam Airlines và các hãng hàng không khác trong vị thế cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử.
Nhờ có sự gia nhập thị trường của các hãng hàng không tư nhân trong gần 10 năm qua, thị trường hàng không đã có sự cạnh tranh bình đẳng về giá, chia lại thị phần, tạo áp lực thúc đẩy các hãng phải bay đúng giờ, giá vé rẻ hơn, chất lượng phục vụ tốt hơn, mà người hưởng lợi chính là người dân.
Vì vậy, theo chuyên gia này, không nên tính đến việc bảo hộ bất kỳ doanh nghiệp nào, đi ngược lại quá trình cạnh tranh, lành mạnh hoá thị trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.