Kè chắn sóng này dài hơn 1.300 m do Sở NN-PTNT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư với kinh phí 20 tỉ đồng. Công trình hoàn thành năm 2000. Từ đó, bờ kè chắn sóng bị... sóng đánh thiệt hại mỗi năm một ít. Đầu tiên là một vài vết rạn nứt, vài chỗ rò rỉ trên thân kè. Nếu cái sự “một ít” đó được ngành chức năng quan tâm cho sửa chữa ngay, gia cố kịp thời thì tuổi thọ của bờ kè có thể được kéo dài. Đằng này, do quá “vô tư”, phản ứng chậm chạp, ngành chức năng đã để bờ kè từ nứt thành vỡ, từ rò rỉ thành lỗ hổng lớn.
Và điều gì đến đã đến: Sau mùa mưa bão năm 2016, khoảng hai phần ba chân kè bị sóng đánh ngã quỵ, dẫn đến sụt lún, tuyến kè bị gãy rời từng đoạn, nằm co quắp, rúm ró, ngổn ngang trông rất thảm hại. Đến nước này, chính quyền mới... khẩn trương vào cuộc bằng cách... đổ đá, kê bao tải cát. Việc sửa chữa tuy lặt vặt, vá víu, thiếu hiệu quả nhưng năm nào cũng phải tiêu tốn tiền tỉ từ ngân sách. Và “tác dụng”của nó thì ai cũng biết là chỉ như muối bỏ biển.
Hiện giờ có thể nói tác dụng chắn sóng của bờ kè không còn bao nhiêu nữa. Nói cách khác là bờ kè chỉ là một đống đổ nát. Triều cường và sóng lớn thoải mái tràn lên như muốn nuốt chửng những mét bờ kè cuối cùng. Con đường bê tông chạy dọc theo đó cũng bị sóng thốc vào, gây xói lở, rỗng ruột nghiêm trọng. Con đường bị sụt lún, lộ ra nhiều hàm ếch, sạt lở nhiều đoạn, có đoạn bị khoét sâu đến hơn 2 m. Việc đi lại trên con đường này hiện rất nguy hiểm.
|
Anh Nguyễn Khánh, người dân sống gần đó, tận mắt chứng kiến một người đi thể dục buổi sáng bỗng dưng “mất tích”. Người này bị sụp hố vì đi trên mặt đường mà phía dưới đã bị sóng biển khoét rỗng ruột. Người dân xúm lại kéo nạn nhân lên khỏi hố. Từ đó, con đường trở nên nham nhở do người dân đặt chướng ngại vật cảnh báo. Vậy là, con đường đang cùng chung tình cảnh với bờ kè: mất tác dụng, ngổn ngang, nhếch nhác và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia giao thông.
Nhiều năm nay, năm nào người dân cũng khẩn thiết kiến nghị, yêu cầu các cấp chính quyền khắc phục sự cố bờ kè và cả con đường bên trong. Người dân cũng cho rằng cách khắc phục hiệu quả nhất là thu dọn, giải phóng “hiện trường”, làm lại từ đầu bởi một nhà thầu tầm cỡ, bài bản, có lương tâm và tinh thần trách nhiệm cao. Còn bây giờ, cứ đổ đá và chèn bao cát để gia cố tạm bợ chỉ phát sinh tốn kém mà chẳng có mảy may hiệu quả. Tuy nhiên, cứ sau mỗi lần dân “kêu”, cơ quan chức năng lại trả lời trong các cuộc họp rằng đã gửi văn bản đề nghị cấp trên xử lý rồi, đang đợi cấp trên hồi đáp. Điều này đồng nghĩa với việc dân phải chờ và chờ không biết đến bao giờ, trong khi sóng to, gió lớn, triều cường thì chẳng chờ ai, cứ tới mùa là trở lại hoành hành, uy hiếp.
Gần 400 hộ dân dọc bờ kè đang sống trong sợ hãi khi mùa mưa bão sắp đến. Dân thì rất lo lắng, chính quyền vẫn chưa có động thái gì, trong lúc bờ kè chắn sóng coi như... thất thủ!
Ngày 22.7, UBND TX.Đức Phổ xác nhận đoạn kè ở vùng biển Sa Huỳnh bị xói lở xuống cấp, hỏng nặng từ năm 2017. Mặc dù sau đó, mỗi năm địa phương đều hỗ trợ 1,5 tỉ đồng để gia cố, đổ đá làm kè, chắn phía bên ngoài bờ kè nhằm giảm thiểu sạt lở nhưng cách này chỉ là tạm thời, không phát huy hiệu quả lâu dài. Đến nay, việc hỗ trợ kinh phí để gia cố bờ kè đã tạm ngưng do thiếu vốn.
Ông Võ Minh Vương, Phó chủ tịch UBND TX.Đức Phổ, cho biết theo tính toán, địa phương đang cần khoảng 70 tỉ đồng để đầu tư làm lại bờ kè nhằm ổn định đời sống người dân và bảo vệ được khu vực nghĩa trang liệt sĩ, nhưng hiện vẫn đang chờ tỉnh bố trí vốn.
Phạm Anh
|
Bình luận (0)