Kè chống xói lở bờ sông Tiền
dài 850 m bị sạt lở nên UBND tỉnh Đồng Tháp 2 lần công bố tình trạng
khẩn cấp để đầu tư kinh phí gần 109 tỉ đồng và chỉ định thầu cho Công ty
CP Nhân Bình (Hà Nội) thi công khắc phục, song đều bất thành.
Quản lý công trình chưa bảo đảm
Chạy dọc bờ kè chống xói lở sông Tiền thuộc khu vực chợ Bình Thành (H.Thanh Bình), ai cũng bất ngờ với các biển cảnh báo “có hố xoáy nguy hiểm”. Ông Nguyễn Văn Tài (53 tuổi, ngụ xã Bình Thành, H.Thanh Bình) cho hay: “Được đầu tư bờ kè hoành tráng ai cũng mừng, nhưng bờ kè này bị sạt lở 2 lần rồi. Gần đây chân bờ kè sạt thành hố lớn, rất sâu, không biết có khắc phục được không. Khu vực này nước chảy xiết, một số ghe cào bắt cá kéo bung cả rọ đá nhưng không thấy đặt biển cấm ghe cào đánh bắt trong bờ kè”.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Đồng Tháp gửi cho UBND tỉnh thì sự cố sạt trượt chân kè chợ Bình Thành diễn ra ngày 4.4.2021. Một đoạn chân kè dài 60 m (từ mặt cắt MC740 đến MC800) đã bị trượt ra sông. Qua kiểm tra của thợ lặn, toàn bộ thảm đá, vải địa và bao tải cát tiếp giáp dầm khóa chân kè đã trượt ra lòng sông, cách dầm khóa chân kè khoảng 40 m. Các hố xoáy tại khu vực trên đang diễn biến phức tạp và có xu hướng khoét sâu thêm, nguy cơ gây mất an toàn cho công trình kè.
Quan sát tại đoạn chân kè bị trượt, kết cấu các mảng bê tông không còn dính liền nhau và có hiện tượng tiếp tục trượt nhiều hơn. Để giảm bớt tình trạng sạt chân kè, các đơn vị có liên quan đã dùng vải ngăn nước tác động gây sạt bờ kè. Đây là lần thứ hai công trình kè chống sạt lở có tổng chi phí đầu tư gần 109 tỉ đồng này rơi vào vòng xoáy nguy hiểm.
Trước đó, tháng 5.2019, cũng tại công trình bờ kè này, một đoạn thân kè dài 40 m đã được thi công hoàn chỉnh bị lở hoàn toàn xuống sông. Vị trí sạt lở ăn sâu vào đất liền thêm 9 m. Trong vụ sạt lở này, UBND tỉnh Đồng Tháp báo cáo cho Thanh tra Bộ Xây dựng, nguyên nhân do điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn - hình thái đoạn sông khu vực bờ kè phức tạp. Mặt khác, còn do sai sót của từ các đơn vị thiết kế, giám sát, thi công, quản lý công trình chưa đảm bảo. Qua đó, các đơn vị có liên quan đã góp kinh phí gần 7,6 tỉ đồng để khắc phục.
|
Hai lần chỉ định một đơn vị thi công
Đến nay, với công trình kè chống xói lở khu vực chợ Bình Thành, UBND tỉnh Đồng Tháp đã 2 lần công bố tình trạng khẩn cấp nhằm áp dụng biện pháp chỉ định thầu thi công. Đáng nói, cả hai lần chỉ định thầu, Công ty CP Nhân Bình (Hà Nội) đều được chọn đơn vị thi công khắc phục sạt lở nhưng sau đó đều xảy ra sự cố. Cụ thể, ngày 30.8.2016, UBND tỉnh Đồng Tháp ra Quyết định số 1006, công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ sông Tiền khu vực chợ Bình Thành, đoạn nguy cấp nhất với chiều dài 850 m. Mức đầu tư của công trình kè hơn 90 tỉ đồng, trong đó kinh phí T.Ư hỗ trợ 75 tỉ và ngân sách địa phương 15 tỉ đồng. UBND tỉnh Đồng Tháp giao Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư, Công ty CP Nhân Bình (Hà Nội) được chọn làm đơn vị thi công. Ngày 1.9.2016, tức chỉ một ngày khi có quyết định công bố tình trạng khẩn cấp, công trình kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực chợ Bình Thành được khởi công và đến tháng 5.2019 thì xảy ra sạt lở 40/850 m của cả công trình.
Đến ngày 4.8.2020, UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục có Quyết định số 1219 phê duyệt phương án xử lý khẩn cấp khắc phục các hố xoáy mới phát sinh giáp chân kè với tổng chiều dài 260 m, tổng kinh phí thực hiện gần 19 tỉ đồng.
Đối với lần công bố khẩn cấp thứ hai, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư. Công ty CP Nhân Bình tiếp tục được chọn thi công. Đến ngày 4.4.2021 thì chân kè tiếp tục bị trượt ra lòng sông.
Mới đây, để giải quyết tình trạng sạt trượt chân kè nêu trên, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đã yêu cầu Sở NN-PTNT khẩn trương tổ chức khảo sát chi tiết toàn tuyến sông từ chợ Bình Thành đến vàm Phong Mỹ để đánh giá chất lượng thi công công trình, cũng như diễn biến lòng sông và xác định nguyên nhân sạt trượt chân kè nêu trên. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý.
Trưa 17.5, ghi nhận thực tế của PV Thanh Niên tại khu vực kè, nhóm thợ lặn gần 10 người đang tiến hành lặn thăm dò sát thân kè, với độ sâu lên đến hàng chục mét. Nếu không có giải pháp sớm khắc phục, rất có thể sẽ xảy ra sạt lở tiếp theo ở công trình kè chống xói lở trăm tỉ này.
Mặc dù theo quy định (Nghị định 59 ngày 18.6.2015 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng và hiện nay là Nghị định 15 ngày 3.3.2021 của Thủ tướng Chính phủ - PV), chính quyền sở tại được phép chỉ định thầu bởi công trình xây dựng trên theo lệnh khẩn cấp, có tính cấp bách. Tuy nhiên, việc 2 lần chỉ định thầu cho cùng một đơn vị là Công ty CP Nhân Bình (Hà Nội) thi công khắc phục nhưng vẫn bị sạt lở khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu công trình này có tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp và chọn đơn vị thi công trên để khắc phục nữa hay không (?).
Bình luận (0)