Sáng 24.3, ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt cho biết sau khi các hộ dân tạm di dời đến nơi ở an toàn, các cơ quan chuyên môn TP.Đà Lạt tìm ra nguyên nhân sạt lở bờ kè ta luy sau chợ Đà Lạt đe dọa nhiều hộ dân, đồng thời đưa ra phương án khắc phục sự cố.
|
Vì sao bờ kè ta luy sạt lở?
Theo ông Võ Ngọc Trình, bờ kè ta luy sạt lở có bề ngang gần 9m, mặt nghiêng kè đá có chiều dài 16,85m, chiều sâu sạt lở từ 2,88m - 6m có cao trình hơn 15 m tính từ đường hẻm Phan Bội Châu xuống đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Sau khi các hộ dân tạm di dời đến nơi ở an toàn, cơ quan chức năng đo được hố sụt lún có chiều dài sâu vào các công trình nhà từ 2,5 - 3m tính từ kè đà hiện trạng đến đường Phan Bội Châu. Hiện nay đoạn kè đá chắn đất trên đã bị phá vỡ kết cấu liên kết, không đảm bảo điều kiện để sử dụng.
|
Tại khu vực này xuất hiện 3 hố sâu sạt lở cục bộ sâu từ 2 - 6 m, về nguyên nhân phần đất bên trong kè đá là đất mượn, địa chất không đồng đều. Mặt khác trong quá trình thi công trước đây có thể việc đầm chắc đất chưa đạt yêu cầu; bên cạnh đó, trong quá trình sinh hoạt các hộ sân xả nước thải xuống bờ kè đá.
Ông Trình cho biết thêm, kè đá chắn đất là khu vực sườn dốc đứng, được bao bọc giữa đường Phan Bội Châu (lớp nhà thứ 2) và đường Nguyễn Thị Minh Khai, được xây dựng từ khi xây dựng chợ Đà Lạt (cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 thế kỷ 20).
|
Tại khu vực này đã hình thành khu dân cư sinh sống ổn định hàng chục năm qua. Trước khi xảy ra sạt lở có 4 hộ cơi nới nhà tạm trên sườn kè đá bằng vật liệu gỗ, trụ thép, có nhà xây dựng bằng trụ bê tông, tường gạch…
Giải pháp nào cho bờ kè hơn 60 năm tuổi ?
Như Thanh Niên đã đưa tin, sau khi phát hiện sự cố bờ kè ta luy đá sau chợ Đà Lạt bị sạt lở, chiều tối 19.3 UBND TP.Đà Lạt vận động 4 hộ dân (tổng cộng 14 người) di dời đến nơi ở an toàn.
Ông Trình cho biết sau khi các hộ dân tạm di dời, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Đà Lạt đã tiến hành bơm bê tông vào các hố sâu cục bộ để giữ ổn định các ngôi nhà phía trên đỉnh kè. Phương án tiếp theo là xây dựng bờ kè mới trên hệ thống bờ kè cũ bị hư hỏng xuống cấp sau hơn 60 năm sử dụng. Cụ thể xây dựng chân kè (móng) bằng bê tông cốt thép cao 1,2m, rộng 0,8m; mái kè thiết kế bê tông cốt thép phủ lên mái kè đá cũ.
|
Đến sáng 24.3, đơn vị thi công tiếp tục tháo dỡ những công trình dưới chân bờ kè để đúc chân kè bằng bê tông cốt thép.
Sau khi báo chí phản ánh sự cố sạt lở kè đá nguy hiểm sau chợ Đà Lạt, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng có buổi làm việc với TP.Đà Lạt và các sở ngành liên quan. Các sở ngành đã kiến nghị một số giải pháp, trong đó vận động 16 hộ dân không nên sinh sống lâu dài tại khu vực này; TP.Đà Lạt khẩn trương tìm quỹ đất để di dời các hộ dân. Mặt khác cơ quan chuyên môn cần kiểm tra lại hồ sơ thiết kế xây dựng, thi công và thời gian sử dụng của các căn nhà để có hướng xử lý một cách căn cơ.
|
Ông Phạm S chỉ đạo UBND TP.Đà Lạt có giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân tại khu vực bị sạt lở, cảnh báo nguy hiểm hạn chế xe tải trọng lớn lưu thông trong khu vực; vận động các hộ dân không nên ở lại qua đêm tại khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đề nghị TP.Đà Lạt khẩn trương cải tạo bờ ta luy sau chợ Đà Lạt đang xảy ra tình trạng sạt lở nguy hiểm theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Bình luận (0)