Không chỉ có các bậc phụ huynh có con em sẽ tốt nghiệp lớp 9 trong năm học tới, mà ngay tại các hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới của ngành giáo dục Hà Nội, vấn đề thi hay xét tuyển vào lớp 10 cũng là đề tài được quan tâm. Từ nhiều năm nay, Hà Nội thực hiện phương án xét tuyển vào lớp 10 dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THCS và kết quả học tập của học sinh trong năm lớp 9. Việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS theo Luật Giáo dục sẽ gây nhiều khó khăn không chỉ cho Hà Nội.
Theo ông Đào Ngọc Nam - Trưởng phòng Phổ thông (Sở GD - ĐT Hà Nội): Không tổ chức thi THCS, người ta sẽ quan tâm đến vấn đề đánh giá, xếp loại văn hóa cả một quá trình học tập của học sinh như thế nào, đó là bài toán hóc búa đối với các nhà quản lý. Theo quy chế cũ, học sinh xếp loại tốt nghiệp THCS giỏi sẽ được cộng 2 điểm, xếp loại khá được cộng 1 điểm vào kết quả xét tuyển vào lớp 10. Như vậy, kết quả học tập vẫn ảnh hưởng đến kết quả vào lớp 10. Ông Nam nhấn mạnh: Vấn đề đặt ra là phải đánh giá công bằng, khách quan về quá trình học tập của học sinh vì rất nhiều môn, đây là nhiệm vụ trọng tâm của Sở trong năm học tới!
GS Văn Như Cương là một trong những người phản ứng gay gắt quan điểm xét tuyển vào lớp 10 theo học bạ. Ông chỉ trích thẳng thắn: "Nếu xét tuyển vào lớp 10 theo học bạ thì nhà nhà sẽ chạy điểm cho con để có học bạ đẹp, và như vậy điểm sẽ "dâng" lên cao chót vót không đúng với thực lực của học sinh". GS Văn Như Cương cho rằng, việc kết hợp tuyển chọn vào lớp 10 kết hợp với kỳ thi lớp 9 rất hay, Hà Nội đã chấm dứt được tình trạng học sinh phải đi học thêm để thi vào lớp 10 như trước kia. Theo ông, nếu thi vào lớp 10 thì chỉ nên thi 2 môn Toán, Văn, và phải tổ chức thi ngay sau khi kết thúc lớp 9 để tránh việc luyện thi.
Song cái khó nhất sau khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp lớp 9 là phải giải được bài toán về đánh giá quá trình dạy và học của giáo viên và học sinh. Một cán bộ quản lý có trách nhiệm của ngành giáo dục từng thốt lên: "Giáo viên là người ra đề kiểm tra, giáo viên là người cho điểm, và cũng giáo viên là người ghi điểm vào học bạ thì làm sao khách quan được, công bằng được...". Việc đánh giá thiếu trung thực năng lực học tập của học sinh ở nhiều trường, nhiều lớp còn xuất phát từ căn nguyên của bệnh thành tích, được coi là căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục từ nhiều năm nay. Chỉ lấy một ví dụ đơn cử, ngay tại quận Hoàng Mai (một quận nội thành của Hà Nội) việc đánh giá học sinh giỏi lớp 9 trong năm học 2004-2005 đã khác nhau. Có trường cho biết chỉ có 16,17% học sinh giỏi, có trường 60,70% giỏi, nhưng có trường "tuyên bố"ë có tới 90% giỏi (?). Như vậy, một quy chế đánh giá chuẩn mang tính toàn quốc là hết sức cần thiết để tránh sự đánh giá khập khiễng giữa các trường, giữa các quận huyện và giữa các tỉnh, thành phố.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn An Ninh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS không có nghĩa là không đánh giá một đầu ra bằng kỳ thi THCS nữa, và cũng không có nghĩa cho không học sinh 9 năm học để có học bạ đẹp, mà mong muốn cả hệ thống giáo dục phải đi vào chất lượng. Bài toán vào lớp 10, Bộ sẽ phải ra chủ trương. Ví dụ, có nhất thiết phải tổ chức thi cả, hay những trường đầu bảng mới được thi và chỉ có những học sinh khá mới được thi vào những trường này, những học sinh yếu hơn sẽ vào các trường khác. Việc thi cử đàng hoàng sẽ sàng lọc em các thực sự học tốt, không những tạo ra sự công bằng, mà còn là động lực đào tạo. Về số môn thi vào lớp 10, sẽ không thi ít môn vì Bộ chủ trương học sinh phải học toàn diện các môn.
Ông Ninh nhấn mạnh: Phải có cơ chế đánh giá quá trình dạy và học, kiểm tra, kiểm soát được các kỳ thi trong quá trình học để xem trường nào, Sở nào làm có nghiêm không, chấm điểm có sát không, có chạy theo bệnh thành tích không...”. Khi được hỏi, khi nào Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng có câu trả lời về cơ chế trên, ông Nguyễn An Ninh thẳng thắn nói: "Không dễ xây dựng ngay được một cơ chế như vậy, nhưng đó là nhiệm vụ Cục Khảo thí và Kiểm định sẽ phải làm".
Thu Hồng
Bình luận (0)