|
Vào đầu những năm 1990, khu đất 372 m2 của nhà ông Phan Đình Đẩu ở thôn Mậu Tài bị hộ nhà ông Phan Đình Quát bên cạnh lấn chiếm. Hay tin ở thôn Tiên Nộn có cụ Lê Quang Nguyện là người hay chữ, lại khí phách và am tường luật pháp nên ông Đẩu đến gõ cửa cậy nhờ. Xem giấy tờ, hồ sơ do ông Đẩu cung cấp, cụ Nguyện gật gù: “Cái ni làm được”. Nhóm cụ Nguyện bắt tay vào “điều tra” vụ việc và phát hiện ông Quát không chỉ lấn đất nhà ông Đẩu mà còn “tư thông” với cán bộ địa chính xã biến trên 622 m2 đất công thành đất tư. Đơn tố cáo được gửi đi và đến tháng 1.2010 UBND H.Phú Vang đã có kết luận trả lại công bằng cho ông Đẩu, đồng thời thu hồi đất công bị lấn chiếm và xử lý những cán bộ liên quan.
Nhưng gia đình ông Đẩu cũng phải trả giá khi bị ông Quát hành hung và các cụ lại “chiến đấu” cho đến ngày đưa ông Quát ra tòa lãnh án. “Sau vụ việc chúng tôi kết nạp chú Đẩu vào làm thành viên do chú ấy đã vượt qua được bài nhập môn, dù dư vị đắng cay”, cụ Nguyện kể.
“Thấy tham ô tham nhũng mà không làm chi mới đổ bệnh”
|
Nhóm hiện có nhiều thành viên, nhưng họ chỉ có thể công khai 4 người trụ cột, gồm cụ Nguyện (92 tuổi, làng Tiên Nộn), ông Đẩu (62 tuổi), cụ Lê Ngọc Dự (88 tuổi, ở thôn Thế Vinh) và cụ Nguyễn Hữu Đối (87 tuổi, ở thôn Mậu Tài), trong đó cụ Nguyện là sáng lập viên đồng thời là “linh hồn” của nhóm. Ngoài cụ Nguyện là cán bộ hưu trí, 3 thành viên còn lại đều là nông dân.
Ngôi nhà cụ Nguyện nằm sâu trong một con hẻm nhỏ của làng Tiên Nộn, trong 10 năm trở lại đây đã trở thành địa điểm sinh hoạt và “nghị sự” của nhóm. Khi có đơn từ hay vụ việc bà con xóm làng nhờ giúp đỡ, báo tin, cả nhóm họp mặt để đưa ra phương án điều tra, xử lý. Thu thập thông tin, chứng cứ xong thì cụ Nguyện bắt đầu chấp bút. Đơn viết tay xong, ông Đẩu mang lên thành phố đánh máy rồi về gửi đến các cơ quan chức năng. Việc đi lại của nhóm chủ yếu nhờ chiếc xe máy Cub 86 cũ mèm của ông Đẩu. Chi phí in ấn, sưu tra tài liệu gần như dựa vào đồng lương hưu ít ỏi của cụ Nguyện.
Nhắc về thành tích, các cụ chỉ cười. Nhưng mọi người không quên vụ ông Trần Lợi, nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Mậu bị các cụ phát hiện chiếm đất công. Sau một thời gian kiên trì tố cáo, ông Lợi bị cách chức Phó bí thư Đảng ủy xã, không được cơ cấu làm chủ tịch trong nhiệm kỳ tiếp theo. Năm 2005, có một người phụ nữ nghèo bán bánh mì, để nhận sổ đỏ của đất mình phải đi vay 2 chỉ vàng bán lấy tiền đưa cho cán bộ địa chính xã - ông Trần Văn Diệp. Bức xúc trước vụ việc, các cụ làm đơn tố cáo. Ông Diệp bị kỷ luật khiển trách và buộc trả lại tiền cho người phụ nữ kia...
Dù có chút “thành tích” như vậy, nhưng trong sâu thẳm các cụ vẫn cứ xót lòng về sự dung túng, bao che. Mệt mỏi, có lúc nản chí nhưng họ lại động viên nhau kiên cường. Con cháu khuyên can thôi đừng tranh đấu, các cụ cần lấy sức khỏe làm trọng thì các cụ một mực: “Bọn ông đây thấy chuyện ức hiếp dân nghèo, thấy tham ô tham nhũng mà không làm chi mới đổ bệnh. Bệnh đó mới là bệnh nan y!”.
|
Dù cho cầm dao dọa giết...
Tuổi tác giờ đây lại tỷ lệ thuận với thông tin về tham nhũng nhóm cụ Nguyện tiếp nhận. Ban đầu nhóm chỉ xử lý những vụ việc trong làng, xã của mình, nay thì người dân các xã lân cận, thậm chí ở TP.Huế cũng tìm về các cụ để nhờ “chấp bút” hoặc cung cấp thông tin. “Chúng tôi đang thu thập hồ sơ về mấy tay quan chức cỡ bự hợp thức hóa 30.000 m2 đất công thành đất tư. Vụ này nhà nước mất hàng chục tỉ đồng đó”, một thành viên của nhóm tiết lộ.
Trong ngôi nhà cụ Nguyện, góc nào, ngăn tủ nào cũng thấy giấy tờ, đơn thư, sổ sách ghi chép. Cụ Nguyện cũng nhờ con cháu “đao” trên mạng về những văn bản, nghị định, chính sách mới để cập nhật cho tủ sách pháp luật của mình. “Chơi với bọn tham nhũng mình mà a ma tơ thì hắn quật ngược mình cái là chết”, cụ Nguyện hóm hỉnh.
Có hai nguyên tắc bất di bất dịch đối với nhóm cao niên phòng chống tham nhũng mà các cụ quán triệt. Một là “thấy mới nói, có mới nói chứ không đoán”. Hai là quán triệt “tinh thần Phùng Quán” rằng: “Dù ai cầm dao dọa giết cũng không nói có thành không” (lấy ý trong bài Lời mẹ dặn của nhà thơ Phùng Quán - NV).
Gia Tân
Bình luận (0)