Bộ LĐ-TB-XH nói gì trước đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75%?

Thu Hằng
Thu Hằng
13/08/2024 15:31 GMT+7

Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đề nghị điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị giữ nguyên mức hiện hành là 60%.

Hỗ trợ lao động có cuộc sống tối thiểu khi thất nghiệp

Góp ý về dự thảo luật Việc làm (sửa đổi), mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị đơn vị soạn thảo nghiên cứu tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bộ LĐ-TB-XH nói gì trước đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75%?- Ảnh 1.

Người lao động làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

T.H

Theo dự thảo, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của 6 tháng đã đóng BHTN gần nhất trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng BHTN.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, thực tế đa số các doanh nghiệp đóng BHTN cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, trong khi mức lương tối thiểu vùng hiện nay còn thấp. Vì vậy, mức trợ cấp thất nghiệp cần tăng lên ít nhất 75% là phù hợp, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp.

Hơn nữa, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho hay, thời gian qua có nhiều người thuộc đối tượng "người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý, điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã" bị thất nghiệp, nhưng lại không được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian chưa có việc làm, khiến đời sống khó khăn.

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ ra, hiện có nhiều người lao động đóng BHTN, nhưng đến khi nghỉ hưu vẫn không thất nghiệp lần nào, nên sẽ không được hưởng quyền lợi gì từ phần đóng BHTN, vì thế, người lao động cảm thấy rất thiệt thòi. Nhiều người lao động đã xin nghỉ việc trước 1 năm trước khi nghỉ hưu để hưởng được 12 tháng trợ cấp thất nghiệp cho bớt thiệt rồi mới làm thủ tục hưởng lương hưu. Do vậy, với những người đóng BHTN nhưng đến khi nghỉ hưu mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị cho được hưởng 50% số tiền đã đóng vào quỹ BHTN.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị xem xét sửa đổi quy định về chế độ hưởng BHTN theo hướng tham gia đủ 12 tháng thì được hưởng 1 tháng (không hưởng gộp trong 3 năm đầu); không giới hạn thời gian hưởng BHTN tối đa và thực hiện bảo lưu đối với thời gian còn lại trong trường hợp người lao động tìm kiếm được việc làm mới.

Giữ nguyên quy định hiện hành vì phù hợp với thông lệ quốc tế

Quá trình tiếp thu, cơ quan soạn thảo là Bộ LĐ-TB-XH lại đề nghị giữ nguyên quy định như hiện hành. Theo bộ này, mức trợ cấp thất nghiệp hiện hành bằng 60% mức bình quân tiền lương là mức thu nhập tối thiểu để giảm bớt khó khăn cho người khi bị mất việc làm, phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế hiện nay.

Về đề nghị cho những người đóng BHTN nhưng đến khi nghỉ hưu mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào thì được hưởng 50% số tiền đã đóng vào quỹ BHTN, cơ quan soạn thảo cũng xin giữ nguyên, bởi BHTN là loại hình bảo hiểm ngắn hạn, mang tính chia sẻ rủi ro.

Phản hồi đề xuất xem xét sửa đổi quy định về chế độ hưởng BHTN theo hướng tham gia đủ 12 tháng thì được hưởng 1 tháng, Bộ LĐ-TB-XH bảo lưu quan điểm kế thừa luật Việc làm 2013, quy định đóng 12 - 36 tháng thì được hưởng 3 tháng và quy định thời gian hưởng tối đa 12 tháng. Quy định này, theo cơ quan soạn thảo, là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Mức trợ cấp thất nghiệp tối thiểu này là mức thu nhập tối thiểu để giảm bớt khó khăn cho người lao động khi bị mất việc làm. Việc quy định thời gian hưởng tối đa vì đây là chế độ ngắn hạn, đồng thời thúc đẩy người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động thông qua các hỗ trợ khác như: tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.