Bộ mặt của chiến tranh trong tương lai

21/06/2013 19:45 GMT+7

(TNO) Dù vũ khí công nghệ cao hoạt động hiệu quả trong chiến tranh hiện đại, tác động của chúng chỉ là nhất thời, theo quan điểm chung của các thành viên tham dự phiên thảo luận về chiến tranh tại Hội nghị Tổng thống của Israel mới kết thúc hôm 20.6.

Thành phần tham dự phiên thảo luận lần này gồm có hai cựu cấp tướng của Israel, một chuyên gia hạt nhân Israel, và hai giáo sư người Mỹ, đã cùng thảo luận và chia sẻ quan điểm về hình thái của chiến tranh tương lai cũng như những tác động của nó về mặt xã hội.

Từ chiến tranh cổ điển đến ưu thế của vũ khí công nghệ cao

"Những gì dường như chỉ có trong tiểu thuyết hiện đang xảy ra", Yair Cohen, cựu Chỉ huy trưởng Đơn vị 8200, là đơn vị Tình báo thông tin của Lực lượng Phòng vệ Israel, đã mở đầu phiên thảo luận.

"Chúng ta đang sống trong một thế giới mà cứ mỗi giây đồng hồ có đến 500 triệu cuộc tấn công mạng để lại nhiều hậu quả về mặt chính trị và chiến lược cần được xem xét một cách nghiêm túc", ông Yair Cohen nói thêm.

Nếu các sự kiện mở màn Cuộc chiến sáu ngày năm 1967 xảy ra một lần nữa hôm nay thì Cohen cho rằng sẽ có những diễn biến thậm chí còn khó tin hơn chỉ là sự hủy diệt toàn bộ lực lượng không quân Ai Cập trong ba tiếng đồng hồ bởi các chiến đấu cơ Israel, theo báo Haaretz của Israel.

"Hiện nay, mọi người đều biết vũ khí không gian mạng sẽ giành quyền kiểm soát cuộc chiến, và tất nhiên những sự kiện tương tự vẫn sẽ diễn ra, nhưng chúng ta lại không thể nhìn thấy bất kỳ chiếc chiến đấu cơ nào của Israel được gửi đi thực hiện nhiệm vụ, cũng như không ảnh hưởng gì đến cuộc sống ở Israel", ông Cohen nói.

Bộ mặt của chiến tranh trong tương lai
 Một chiếc máy bay không người lái của Israel - Ảnh: AFP

Daniel Gold, người đứng đầu Ủy ban nghiên cứu và phát triển Mạng dân sự và thương mại Quốc gia Israel, nổi tiếng với vai trò hàng đầu trong phát minh và quản lý hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm sắt), đã cho trình chiếu một loạt các đoạn video ngắn mô tả hoạt động của các loại vũ khí tự động không người lái như xe robot tuần tra biên giới Gaza, tàu robot trang bị hệ thống quan sát ngày và đêm tiếp cận tàu địch trên biển, rắn robot trườn vào trụ sở của đối phương và gửi hình ảnh về bản doanh.

Máy bay không người lái (UAV) có khả năng vượt biên giới một cách dễ dàng mà không gây rủi ro về mặt con người. Nó cho phép thực hiện nhiệm vụ cung cấp dữ liệu giám sát liên tục, theo dõi các mục tiêu tiềm năng cũng như xác định thời gian tấn công tốt nhất để tránh thương vong cho dân thường.

Các UAV được cho là có hiệu quả cao đáp ứng các quy tắc của chiến tranh hiện đại. Với độ chính xác ngày càng tăng của tên lửa và sự tinh vi của phần mềm máy tính giả lập khu vực tấn công, các UAV giảm đáng kể thiệt hại so với các hệ thống vũ khí khác.

Ngoài ra, việc các UAV được điều khiển từ căn cứ nằm ngoài khu vực giao tranh cho phép người điều khiển đưa ra quyết định nhắm mục tiêu tốt hơn bởi vì họ không phải lo cho sự an toàn của mình.

UAV - Tương lai của chiến tranh hiện đại?

Chiến lược gia quân sự đồng thời là nhà sử học Edward Luttwak, cộng tác viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington (Mỹ), cho rằng các loại vũ khí công nghệ cao này, dù gây ấn tượng qua khả năng của chúng, nhưng lại không thể thay thế, bây giờ hoặc trong tương lai, cho các lực lượng mặt đất.

Luttwak thừa nhận đúng là hầu hết các cuộc chiến tranh đang diễn ra hôm nay, từ Iraq đến Afghanistan, Israel với Hezbollah, đều sử dụng công nghệ cao, nhưng cuối cùng họ vẫn sử dụng bộ binh.

"Công nghệ cao dường như mang lại hiệu quả, nhưng chỉ là nhất thời”, Luttwak lập luận khi nói về các cuộc xung đột nói trên.

Máy bay ném bom tàng hình và máy bay không người lái sẽ nhanh chóng được thay thế bằng xe bọc thép, và cuối cùng, khi mọi thứ trở nên tệ hơn, là lính bộ binh, theo Luttwak. Các giải pháp công nghệ cao có thể là sự mở màn hoành tráng trên truyền hình nhưng chúng “không có khả năng dứt điểm".

"Tôi có thể dự đoán nếu xảy ra một cuộc đối đầu mới có quy mô lớn hơn với Hezbollah, Israel sẽ phải huy động bộ binh...", ông nói thêm.

Quả thật, vì bay ở tốc độ chậm hơn so với các loại máy bay do thám và máy bay chiến đấu khác, các UAV tương đối dễ dàng bị bắn hạ. Nên thông thường chúng chỉ được triển khai và hoạt động hiệu quả khi các lực lượng không quân bình thường đã đạt được sự thống trị trên không, trong những tình huống mà nó không thể bị tấn công bởi lực lượng không quân hoặc hệ thống phòng không của đối phương.

Do đó, nó không phải là chiến thuật chiếm ưu thế, và là một trong những lý do tại sao các UAV đã không được sử dụng, bất chấp lời kêu gọi của một số học giả, để tạo ra một vùng cấm bay ở Syria.

Rất đơn giản, các UAV tỏ ra không hiệu quả với những quốc gia có năng lực phòng không mạnh mẽ. UAV có thể hiệu quả trong việc tiêu diệt các mục tiêu, nhưng có thể không phải là sự lựa chọn tốt nhất trong cuộc chiến lâu dài. Việc tiêu diệt một mục tiêu bằng UAV cũng đồng thời loại bỏ cơ hội thu thập thêm thông tin thông qua thẩm vấn đối tượng hoặc thu hồi tài liệu cũng như thiết bị điện tử có liên quan.

“Nhưng trong mọi trường hợp, rõ ràng là thế giới của chiến tranh cổ điển đã thay đổi”, Eli Levite, cựu Phó giám đốc về chính sách của Ủy ban Năng lượng nguyên tử Israel phát biểu.

“Các cuộc xung đột sẽ tiếp tục gia tăng trên phạm vi toàn cầu và có tính đa chiều. Va chạm sẽ xảy ra liên miên, nhưng với những cường độ khác nhau, như một căn bệnh mãn tính sẽ lại bộc phát thường xuyên", ông lập luận.

Liên quan đến vấn đề hạt nhân, Levite cho biết ông không mong đợi một cuộc chiến tranh hạt nhân, nhưng điều đó không có nghĩa là những cường quốc hạt nhân sẽ không, hoặc không nên, tiếp tục đóng vai trò quan trọng về chính trị, răn đe và chế tài trong tương lai.

Yếu tố con người và đạo đức chiến tranh

Michael Walzer, Giáo sư danh dự về Khoa học xã hội của Viện Cao học thuộc Đại học Princeton, đã đề cập đến phạm trù đạo đức liên quan đến chiến tranh tương lai, tập trung vào máy bay không người lái.

Việc tăng cường sử dụng máy bay không người lái đặt ra nhiều vấn đề mới về phạm trù đạo đức, theo ông Walzer.

Nó sẽ có những tác động hoặc rủi ro gì, ví dụ như đối với những người điều khiển máy bay không người lái ở cách xa hàng ngàn dặm? Walzer cho rằng "việc giết người dường như dễ dàng hơn, và điều đó làm cho chúng ta cảm thấy khó chịu".

"Ngay sau đó, không chỉ là Mỹ và Israel, các nước khác cũng sẽ chạy đua sở hữu máy bay không người lái", và như vậy sẽ là thận trọng để nhanh chóng thiết lập các ràng buộc về cách thức sử dụng máy bay không người lái.

Những người hâm mộ khoa học viễn tưởng luôn tin rằng UAV sẽ là tương lai của chiến tranh hiện đại, nhưng trong thực tế các UAV vẫn yêu cầu duy trì sự hiện diện của con người. Với mỗi chiếc UAV hoạt động trên không, đòi hỏi hàng trăm con người tham gia công tác vận hành và hướng dẫn.

Trong khi loại bỏ nguy cơ cho các phi công phải hứng chịu hỏa lực của đối phương, thì những người điều khiển UAV phải chịu mức độ rủi ro đáng kể liên quan đến rối loạn hậu chấn thương tâm lý (PTSD - Post-Traumatic Stress Disorder).

Hiện nay chấn thương của các điều hành viên UAV đang được nghiên cứu và đề nghị xếp cùng loại với các chấn thương do hỏa lực gây ra như những binh sĩ khác. Những tác động tiêu cực và hậu quả lâu dài ảnh hưởng đến họ cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng và nghiêm túc.

Nguyên Giang

>> UAV Mỹ lần đầu tiên cất cánh từ tàu sân bay
>> Tham vọng UAV của Trung Quốc
>> Hé lộ chiến lược UAV của Nga
>> Israel “trùm mền” UAV vì sợ Iran bắt giữ
>> Phi công UAV ám ảnh vì “giết người như chơi game”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.