Mở đầu hội nghị, Thủ tướng nói: “Tôi muốn nghe các địa phương nhận xét thẳng thắn, nhất là cái chưa được, thậm chí cứ phê bình T.Ư chứ không phải cứ trên này là tốt, là thành tích cả”.
Theo Thủ tướng, hiện đã có nhiều tiến bộ, chuyển biến nhất là các thủ tục về thuế, hải quan. Minh chứng rõ nhất là chỉ số cải cách hành chính của tất cả các bộ ngành đều tăng điểm. Dù vậy, Thủ tướng nhấn mạnh phải nhìn thẳng vào các điểm yếu để khắc phục, nếu không sẽ tụt hậu vì vẫn còn khoảng cách khá xa với các nước trong khu vực. “Bộ máy chúng ta còn cồng kềnh, thể chế còn phức tạp, vẫn còn cán bộ nhũng nhiễu nhân dân, tính công khai minh bạch còn yếu”, Thủ tướng liệt kê.
Cán bộ làm gì dân biết hết
|
Dẫn lại câu chuyện đoàn xe tháp tùng đi vào phố cấm ở Hội An trước hôm hội nghị xúc tiến du lịch ngày 8.8, Thủ tướng nói: “Tôi đã xuống đi bộ một quãng đường dài, không hề biết việc đoàn ô tô vẫn chạy phía sau. Dù mình không ngồi trên xe, không biết thật nhưng trách nhiệm của mình là không quán xuyến được, cho nên phải xin lỗi người dân để người dân thông cảm”.
Kể lại sự việc này, Thủ tướng muốn nhắc nhở các lãnh đạo trong bộ máy chính quyền phải sâu sát với công việc, địa bàn mình được phân công trách nhiệm để phục vụ nhân dân tốt nhất. "Cán bộ làm gì dân biết hết, mập mờ thì dân không tin đâu. Uy tín cán bộ là do nhân dân đánh giá", Thủ tướng nhấn mạnh và tái khẳng định bộ máy hành chính phải lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo. Ông yêu cầu việc xây dựng thể chế chính sách phải trên nguyên tắc dành phần dễ cho người dân, doanh nghiệp, thay vì tư tưởng như trước nay là phần khó thì đẩy cho dân, còn việc dễ về tay quản lý nhà nước.
Để hạn chế tình trạng lãnh đạo yêu cầu, chỉ đạo nhưng bên dưới không làm, hôm qua Thủ tướng cũng đã ký quyết định thành lập tổ công tác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đứng đầu có nhiệm vụ đôn đốc, báo cáo việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng, các phó thủ tướng. “Phải chấm dứt chuyện cứ nói ở hội trường mà không ai làm, cũng không kỷ luật. Đừng có đánh trống bỏ dùi. Người dân đang mong chờ chúng ta hành động”, Thủ tướng quyết liệt.
Hoàn thiện hệ thống kiểm soát điện tử
Liên quan đến việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch TP.Hà Nội phải xử lý dứt điểm sai phạm tại công trình 8B Lê Trực. Phó thủ tướng cũng nhắc người đứng đầu TP về cam kết đến hết tháng 6.2017 phải cấp xong sổ đỏ cho người mua nhà ở các công trình mà chủ đầu tư còn nợ thuế, để không xảy ra tình trạng “bắt người dân làm con tin”.
Trước đó, trình bày chương trình hành động, kế hoạch để thực hiện Chính phủ kiến tạo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay đã hoàn thiện hệ thống kiểm soát điện tử. “Với công vụ này, Thủ tướng, bộ trưởng ngồi ở đâu cũng biết được đường đi của văn bản, xem xét được nội dung, đánh giá công chức hoàn thành công việc”, ông Dũng nói.
Cùng với đó, Văn phòng Chính phủ đang xây dựng website để tiếp nhận, phản hồi thông tin của người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, tới đây, khi cổng thông tin điện tử một cửa của Chính phủ được kết nối với mạng của các bộ ngành, địa phương thì người dân, doanh nghiệp có thể ngồi ở nhà vẫn giám sát được.
Chia sẻ về kinh nghiệm này, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay nếu ngành nào, địa phương nào trễ hẹn giải quyết hồ sơ cho dân thì đều phải công khai xin lỗi, nói rõ lý do để người dân chia sẻ, giám sát. “Đây không chỉ văn hóa ứng xử mà còn là một kênh để kiểm soát công việc, giám sát, đánh giá cán bộ”, ông Tuyến nói.
Nghiên cứu đề xuất của Quảng Ninh
Trong khi đó, một trong những bài học về cải cách được Chủ tịch Quảng Ninh Nguyễn Đức Long chia sẻ là tích hợp thủ tục hành chính trong hệ thống một cửa liên thông. “Để cấp giấy đăng ký nhà đất mà cứ phải bắt dân đi 300 km từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh mới đến Sở TN-MT thì sao được. Nếu ở các huyện thị mà không có chi nhánh văn phòng thì nên tích hợp vào một cửa”, ông Long kiến nghị. Đây cũng là vấn đề mà nhiều địa phương kêu khó tại hội nghị.
Về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi mở: nếu chưa có các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh tại các huyện thì Bộ TN-MT cần nghiên cứu đề xuất của Quảng Ninh để áp dụng chung cho cả nước. “Đây là thủ tục liên quan rất lớn đến người dân, doanh nghiệp, phải có mô hình tốt nhất để giảm phiền hà”, Thủ tướng lưu ý.
Ông Trương Hòa Bình làm Phó thủ tướng thường trực
Ngày 17.8, Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng vừa có quyết định phân công công tác với lãnh đạo Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ sẽ lãnh đạo, quản lý toàn diện mọi hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình sẽ làm nhiệm vụ Phó thủ tướng thường trực. Các phó thủ tướng giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo một số lĩnh vực, bộ ngành theo phân công...
Nguyên An
|
Bình luận (0)