Sở VH-TT-DL Đà Nẵng, ĐH Duy Tân và khoa Du lịch ĐH San Jose State (Mỹ) tổ chức hội thảo tìm hướng phát triển du lịch Đà Nẵng, trong đó tập trung vào những giải pháp phát triển ngành công nghiệp giải trí.
Đà Nẵng thiếu những hoạt động mua sắm, vui chơi giải trí về đêm để phục vụ du khách - Ảnh: D.H
|
Thêm nhiều điểm đến
Cùng với việc họp bàn tìm ra những giải pháp cho ngành du lịch, mới đây, Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng cũng công bố những kế hoạch hành động của mình trong năm 2015, trong đó đặc biệt chú trọng đến những hoạt động phát triển lĩnh vực dịch vụ giải trí. Theo đó, một số sản phẩm du lịch mới sẽ được đưa vào sử dụng như: bến đỗ du thuyền, cụm dịch vụ nổi và CLB Thể thao dưới nước vào tháng 3.2015; Dịch vụ khu vui chơi giải trí trong nhà Tuyên Sơn vào tháng 2.2015; khu làng Pháp giai đoạn 1 vào tháng 4.2015; hệ thống tàu điện trên cao Monorail tại công viên châu Á; các dịch vụ cao cấp tại các bãi biển tuyến Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa...; khu chợ đêm tại bờ đông sông Hàn gồm khu ẩm thực, khu thương mại, khu vui chơi trẻ em và biểu diễn nghệ thuật ngoài trời; trung tâm thương mại Vincom Đà Nẵng; thí điểm khu phố chuyên kinh doanh thời trang, mua sắm tại đường Lê Duẩn; giới thiệu các tour du lịch đường sông, biển dọc theo sông Hàn, các làng quê ven sông và các điểm quanh bán đảo Sơn Trà...
Bên cạnh đó, năm 2015, Đà Nẵng cũng tổ chức nhiều chương trình có quy mô như: cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế; Marathon quốc tế Đà Nẵng; Đường chạy sắc màu; cuộc thi Iron Man 70.3 Việt Nam... cùng những hoạt động thường niên như Lướt ván trên sông Hàn, Lễ hội Văn hóa-Ẩm thực... “Ngành du lịch Đà Nẵng sẽ có thêm những sản phẩm dịch vụ du lịch mới, có sức cạnh tranh cao để tạo điểm khác biệt, khắc phục tình trạng thiếu sản phẩm dịch vụ du lịch, giải trí, để phục vụ du khách ngày một tốt hơn”, ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng khẳng định.
Dịch vụ du lịch còn yếu
Là địa phương được xem là điểm trung chuyển quan trọng trên con đường di sản miền Trung, tận dụng triệt để những lợi thế những cảnh quan thiên nhiên như Bà Nà, Sơn Trà, Tiên Sa, Non Nước, những bãi biển tuyệt đẹp... thế nhưng đối với du khách, Đà Nẵng vẫn thiếu những dịch vụ giải trí phục vụ cho du khách. Theo nghiên cứu của ĐH Duy Tân với sự phối hợp của Sở VH-TT-DL Đà Nẵng, thì các hoạt động vui chơi giải trí ở Đà Nẵng rất hạn chế, dịch vụ ít, chưa đa dạng, chất lượng chưa cao; chưa có nhiều khu vui chơi giải trí có quy mô lớn và hiện đại; chưa có công viên quy mô lớn có thể phục vụ khách tham quan, nghe diễn thuyết hay hòa nhạc, tham gia hoạt động thể dục thể thao; thiếu các hoạt động giải trí về đêm làm giảm tính hấp dẫn của TP du lịch; chưa có trung tâm thương mại hiện đại với nhiều loại hình đa dạng trong một quần thể; chưa có các cửa hàng miễn thuế có quy mô... Con số đóng góp của các dịch vụ giải trí vào GDP TP còn rất thấp.
Theo TS Tsu-Hong Yen, Trưởng khoa Du lịch ĐH San Jose (Hoa Kỳ), giải trí là một phần vô cùng quan trọng để giữ chân du khách, bởi giải trí sẽ nâng cao trải nghiệm của khách du lịch trong thời gian họ lưu trú tại một địa điểm. TS Tsu-Hong Yen ví dụ về nền công nghiệp giải trí của TP Las Vegas - một TP nổi tiếng về ăn uống, mua sắm và giải trí, đã giữ chân du khách rất lâu khi đến du lịch bằng những dịch vụ giải trí phong phú. “Theo tôi, Đà Nẵng cần xác định tầm nhìn của TP đối với sự phát triển của ngành du lịch, các loại hình giải trí cần phải đáp ứng được sự kỳ vọng của du khách. Cần xây dựng những buổi trình diễn riêng của mình dựa trên nền tảng văn hóa địa phương...”, TS Tsu-Hong Yen chia sẻ.
Bình luận (0)