Như vậy chỉ tính riêng lượng bò nhập khẩu từ 2 thị trường chính này đã lên đến gần 2.300 tấn, đạt giá trị 15,5 triệu USD. Con số này tương đương mức nhập khẩu bình quân của năm 2017: tổng nhập khẩu thịt bò từ Mỹ là 56 triệu USD và Úc 32 triệu USD. Như vậy, tính trung bình mỗi tháng người Việt chi khoảng hơn 150 tỉ đồng mua thịt bò ngoại.
Nếu nhìn vào số lượng và giá trị nhập khẩu thịt bò Mỹ và Úc có thể thấy giá nhập khẩu bình quân 6,6 USD/kg, tương đương khoảng 145.000 đồng. Giá bán các sản phẩm nhập khẩu ở các kênh phân phối chính thức luôn ở mức cao, cụ thể như bò Úc: thăn vai từ 360.000 - 375.000 đồng/kg, thịt ba rọi 345.000 đồng/kg; gầu bò Mỹ 330.000 đồng/kg, sườn dây bò Mỹ 350.000 đồng/kg... Trong khi đó, trên thị trường gần đây xuất hiện thịt bò giá 60.000 - 70.000 đồng/kg. Giá này thì không phải bò Việt. Vậy nó là thịt bò gì?
Một nhà nhập khẩu thịt có cửa hàng kinh doanh trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết: Đó là “thịt bò Ấn Độ”. Người này giải thích: Vì phần lớn người Ấn Độ tuân thủ các lễ nghi tôn giáo của mình nên thờ con bò và không ăn thịt nó. Thay vào đó, người ta sử dụng con trâu để cung cấp sức lao động trong nông nghiệp và cả nguồn thực phẩm sữa. Đây cũng là ngành chăn nuôi quan trọng của Ấn Độ ngày nay. Các số liệu thống kê cho thấy những năm gần đây Ấn Độ xuất khẩu lượng thịt trâu trị giá khoảng 5 tỉ USD, phần lớn lượng thịt này xuất sang các nước Đông Nam Á. Giá thịt trâu xuất khẩu của Ấn Độ giao động từ 2,5 - 3 USD/kg. Thay vì gọi là thịt trâu thì các nhà nhập khẩu VN gọi là “bò Ấn Độ” nghe cho nó sang để dễ bán và thông thường chỉ bán nguyên thùng 10 kg, chủ yếu cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng, bếp ăn tập thể…
Về đặc điểm thịt thì trâu Ấn Độ không khác nhiều so với thịt bò VN. Tuy nhiên, nếu là người trong ngành chỉ cần nhìn qua cũng biết. Đây là mặt hàng vào VN chủ yếu theo hình thức tạm nhập tái xuất, nên trước giờ các ngành chức năng liên quan chưa có bình luận chính thức nào về chất lượng của loại thực phẩm này.
Bình luận (0)