Bộ Ngoại giao lên tiếng việc Philippines lắp đặt phao định vị tại quần đảo Trường Sa

18/05/2023 17:47 GMT+7

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa trước việc Philippines thông báo việc lắp 5 phao định vị trong phạm vi 322 km, bao gồm đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 18.5 Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của báo chí trước thông tin Philippines gần đây lắp đặt 5 phao định vị tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Phó phát ngôn khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

Bộ Ngoại giao lên tiếng việc Philippines lắp đặt phao định vị tại quần đảo Trường Sa - Ảnh 1.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

THẢO PHẠM

"Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC), có đóng góp tích cực cho việc duy trì, ổn định trên Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)", bà Hằng khẳng định.

Hai thanh niên 'tắm tiên' ở hồ Hoàn Kiếm bị xử phạt bao nhiêu?

Trước đó, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines thông báo việc lắp 5 phao định vị cắm quốc kỳ của nước này trong phạm vi 322 km, bao gồm đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Philippines đã có cuộc họp Nhóm công tác chung giữa Việt Nam và Philippines về các vấn biển và đại dương lần thứ 10 diễn ra trong ngày 15 - 16.5, tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Hai đoàn chia sẻ về các diễn biến gần đây trên Biển Đông và bày tỏ quan ngại về các hành vi đơn phương vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển được xác lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982. 

Hai bên cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, vai trò trung tâm và lập trường của ASEAN về Biển Đông trong việc duy trì hòa bình, ổn định và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.