Từ đầu năm 2011, Samsung Electronics và Hynix đã tiên phong trong việc sản xuất và công bố mô-đun bộ nhớ DDR4-SDRAM đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ này diễn ra chậm chạp khi thị phần của RAM DDR4 chỉ đạt dưới 5% vào năm 2013. Phải đến năm 2015, DDR4 mới thực sự bùng nổ khi chiếm tới 50% thị trường, đánh dấu thời kỳ hoàng kim của tiêu chuẩn này trong lĩnh vực PC.
Mặc dù vậy, sự thống trị này sẽ sớm bị thay đổi sau khi các nhà sản xuất RAM lớn đã bắt đầu ngừng sản xuất các mẫu DDR4 để hướng đến tiêu chuẩn mới hơn là DDR5. Điều này được thể hiện trong các báo cáo thu nhập gần đây khi Samsung và SK hynix đã công bố kế hoạch chuyển hướng sang các sản phẩm cao cấp hơn với lợi nhuận cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc sản lượng bộ nhớ flash DRAM và NAND, đặc biệt là các sản phẩm truyền thống, có thể sẽ giảm.
Sự thay đổi của các nhà sản xuất RAM lớn
Cụ thể, SK hynix thông báo sẽ giảm dần tỷ lệ sản xuất RAM DDR4 từ 40% trong quý 2 xuống 30% trong quý 3 năm nay, đồng thời dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống còn 20% trong quý 4. Tương tự, Samsung cũng có kế hoạch giảm năng lực sản xuất RAM DDR4, chuyển một phần sang sản xuất các sản phẩm cao cấp như RAM DDR5 và LPDDR5.
Đáng chú ý, các sản phẩm mới như bộ xử lý máy tính để bàn Arrow Lake-S của Intel và bo mạch chủ chipset dòng 800 chỉ hỗ trợ bộ nhớ DDR5. AMD cũng đã thông báo dòng bộ xử lý Ryzen 7000 sẽ không còn hỗ trợ DDR4. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn còn nhiều sản phẩm điện tử hỗ trợ DDR4, trong khi giá DDR5 vẫn ở mức cao khiến người tiêu dùng phổ thông có xu hướng lựa chọn DDR4 hơn.
Bình luận (0)