Ngày 11.3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai biện pháp ứng phó xâm nhập mặn.
Theo Bộ NN-PTNT, xâm nhập mặn ở ĐBSCL xuất hiện sớm, cao hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2023, thấp hơn các năm xâm nhập mặn lịch sử 2015 - 2016 và 2019 - 2020.
Nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT cho thấy, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến hết mùa khô. Các đợt xâm nhập mặn cao điểm ở vùng cửa sông Cửu Long khả năng kéo dài đến ngày 28.4.
Theo đó, Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 19 ngày 8.3 về việc tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại ĐBSCL; Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023 - 2024.
Các địa phương tăng cường theo dõi thông tin dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước của các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và bản tin của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam để làm cơ sở tổ chức giải pháp ứng phó phù hợp.
Xem nhanh 12h: Xâm nhập mặn ở ĐBSCL cao hơn nhiều năm, có nơi 80 - 90 km
Ngoài ra, các địa phương khẩn trương tiếp tục khuyến cáo người dân không xuống giống lúa ở các vùng đang tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, chỉ xuống giống khi có mưa hoặc khi nguồn nước cung cấp ổn định.
Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu địa phương tăng cường việc vận hành hợp lý các công trình thủy lợi để lấy, tích trữ nước ngọt tối đa vào hệ thống kênh mương, ao đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh; tại các vùng cây ăn trái tiếp tục thực hiện trữ nước trong ao, hồ phân tán, bảo đảm đủ nguồn nước để duy trì sức sống tối thiểu của cây trồng trong thời gian ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương khẩn trương xác định cụ thể khu vực người dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, có phương án cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân, hỗ trợ người dân tổ chức lấy nước, dụng cụ trữ nước phục vụ sinh hoạt; tuyệt đối không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng.
Các địa phương thực hiện khẩn cấp các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, lưu ý, lắp đặt trạm bơm dã chiến, đắp đập tạm, đào ao, nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh trục...; thường xuyên phổ biến thông tin về tình hình xâm nhập mặn đến chính quyền địa phương, người dân chủ động thực hiện giải pháp ứng phó với ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Bình luận (0)