Thiết bị đẩy nước chữa cháy tự vận hành bằng khí nén do Công ty An Sinh Xanh nghiên cứu chế tạo đã được Việt Nam và Mỹ cấp bằng độc quyền sáng chế, song đã bị bỏ quên suốt nhiều năm qua.
Thiết bị chữa cháy đặc biệt bị bỏ phí - Ảnh: H.T |
Bỏ phí suốt thời gian dài
Cho đến nay, thiết bị này vẫn chưa được ứng dụng một cách rộng rãi, dù Bộ KH-CN đã kiểm tra tính năng, hiệu quả qua nhiều lần cho thiết bị này "thử sức" tại các tòa nhà cao tầng ở TP.Đà Nẵng, TP.HCM. Ngày 29.8.2008, Bộ KH-CN đã ra quyết định số 1890/QĐ-BKHCN công bố tiêu chuẩn quốc gia thiết bị đẩy nước chữa cháy tự vận hành bằng khí nén. Đến ngày 19.9.2011, Cục cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ khuyến cáo các Sở cảnh sát PCCC các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; Phòng cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ công an các tỉnh, thành trên cả nước ứng dụng công nghệ này trong quá trình chữa cháy. Để đưa ra quyết định được cho là táo bạo này, thiếu tướng Đỗ Văn Sơn - Cục trưởng Cục cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, đã nhiều lần trực tiếp đến Đà Nẵng kiểm tra thiết bị, công tác vận hành, khả năng và hiệu quả chữa cháy của thiết bị chữa cháy được coi là số 1 Việt Nam hiện nay.
Nguyên lý hoạt động của thiết bị sử dụng khí nén để đẩy nước chữa cháy (thiết bị đẩy nước - PV) là sử dụng nguồn năng lượng của khí nén được tích trữ dưới dạng áp suất để nén lên trên bề mặt nước trong bình chứa kín tạo ra áp suất đẩy nước chữa cháy tới đám cháy. Qua kiểm tra, thiếu tướng Đỗ Văn Sơn ghi nhận: "Trên thực tế có thể dùng khí đẩy (CO2 hoặc N2) của thiết bị đẩy nước để trực tiếp chữa cháy. Trong trường hợp này có thể coi đây là một hệ thống chữa cháy bằng khí. Cũng theo thiếu tướng Đỗ Văn Sơn, điểm đáng chú ý của thiết bị là khi lắp cuộn vòi đôi (gồm 1 ống dẫn khí, 1 ống dẫn nước hoặc dung dịch bọt kèm theo các đầu phun) có thể tạo ra chất chữa cháy bằng khí, bọt hoặc hỗn hợp khí + nước hoặc khí + bọt chữa cháy đa năng và cơ động phù hợp với yêu cầu chữa cháy các loại đám cháy khác nhau. "Ngoài ra, một số tính năng mới của thiết bị đẩy nước tuy chưa có trong tiêu chuẩn hiện hành, nhưng qua sử dụng thực tế, xét thấy phù hợp với mục đích cuối cùng là dập lửa tắt nhanh, không làm ướt hỏng tài sản và an toàn cho con người" - thiếu tướng Đỗ Văn Sơn nhận định.
Bao giờ triển khai ứng dụng ?
Ông Phan Đình Phương - TGĐ Công ty An Sinh Xanh cho biết hiệu suất của thiết bị đẩy nước chữa cháy: "Chỉ cần 1m3 CO2 lỏng đã đủ sức đẩy 100m3 nước lên cao 50m hoặc đẩy 100m3 nước/bọt lên cao hàng trăm mét và phun thành hơi nước lẫn CO2. Đặc biệt thú vị và bất ngờ nhất là nước trong máy đã được hòa tan CO2 nên khi chuyển động trong ống dẫn sẽ tạo nên bọt và tăng áp một cách tự nhiên (như khi xóc bia hay sâm banh), bọt bay qua vòi phun dễ dàng biến thành hơi nước dập lửa cực nhanh. Nhờ đó, khi phun bọt sẽ giảm được thời gian chữa cháy từ 60 phút xuống 10 - 15 phút so với việc phun nước; giảm lượng nước tồn trữ phục vụ chữa cháy xuống 6 lần; giảm 30-50% đường kính ống dẫn so với máy bơm. Giảm chi phí và tăng cao mức độ an toàn cho công trình. Điều cực kỳ quan trọng là khi lắp đặt cuộn vòi đôi có thể dễ dàng, cơ động đưa lên các tầng cao tùy ý và bất kỳ ai (nam, nữ, già, trẻ) cũng có thể sử dụng thiết bị chữa cháy này một cách hiệu quả.
Dù có nhiều tính năng ưu việt so với nhiều loại thiết bị chữa cháy của nước ngoài và đặc biệt giá cũng rẻ (chỉ bằng 70 - 80%) so với xe chữa cháy nhập ngoại, nhưng điều kỳ lạ là cho đến nay, thiết bị chữa cháy đặc biệt này vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi, nhất là trong lĩnh vực chữa cháy ở các tòa nhà cao tầng, xưởng sản xuất, vũ trường, nhà dân...
Nguyễn Hữu Trà
Bình luận (0)