Bộ phim đắt giá nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam

21/09/2005 22:20 GMT+7

Mặc dù đại diện Ban Chỉ đạo 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội mới khẳng định rằng kinh phí làm phim Thái Tổ Lý Công Uẩn sẽ tùy thuộc vào kịch bản phân cảnh chứ không đưa ra con số nhất định để khống chế đạo diễn, song trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã râm ran rằng bộ phim lịch sử này sẽ được đầu tư đến vài chục, thậm chí có thể tới cả trăm tỉ đồng, khiến cho không chỉ giới điện ảnh mà công chúng cũng hết sức chú ý.

Cầm trên tay chiếc đĩa mềm nhỏ nhắn chứa đựng kịch bản Thái Tổ Lý Công Uẩn của nhà biên kịch Thiên Phúc -  tuy chỉ đoạt giải nhì trong cuộc thi kịch bản 1.000 năm Thăng Long song sẽ được "ưu tiên" dựng thành phim trước vì theo ý kiến của Ban chỉ đạo, "đây là vị vua sáng lập triều Lý, đã có công dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long nên cần có một hình ảnh đậm nét" (Báo Gia đình và xã hội), tôi không khỏi hồi hộp. 1.000 năm trước, khi ban Chiếu dời đô, hẳn Lý Công Uẩn cũng không hình dung được rằng ông lại tạo ra nhiều cuộc tranh luận về việc tái hiện hình ảnh mình trong các loại hình nghệ thuật cho hậu thế đến thế. Giải nhì cho Thái Tổ Lý Công Uẩn đã khẳng định kịch bản đáp ứng được các tiêu chí của cuộc thi, tuy nhiên, số tiền to lớn sắp được rót xuống để bộ phim thành hình đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn thật cẩn trọng đối với kịch bản này, vì ai cũng biết "có bột mới gột nên hồ".

Trước hết, có thể khẳng định bộ phim sẽ hết sức tốn kém, vì trong kịch bản có nhiều bối cảnh đòi hỏi dựng lại thành quách, cung điện của cố đô Hoa Lư trong giai đoạn vàng son, cảnh binh lính, người ngựa rầm rập, rồi phục trang cho vua quan, hoàng hậu, nhà sư, quân lính cách đây cả 10 thế kỷ trong lúc chúng ta chỉ có rất ít tư liệu. Sự ra đời của Lý Công Uẩn gắn với các huyền tích và trong kịch bản cũng thể hiện điều đó, có nghĩa là số tiền để làm các kỹ xảo sẽ không nhỏ ("đột nhiên, tấm lụa trên tay Khánh Văn động đậy, vụt biến thành con rồng, xòe vuốt múa lượn, rồi bay vút lên trên trời", rồi "Luồng sáng ấy vút thẳng lên trời, càng lúc càng sáng rõ, to ra và biến thành một chú chó trắng khổng lồ. Con chó trắng hộc lên, lao ngay vào con mèo đen. Cuộc chiến giữa chó và mèo diễn ra quyết liệt. Những nanh vuốt chạm vào nhau như sấm vang, chớp giật, những tiếng gào rú kinh thiên động địa"...) (Trích kịch bản Thái Tổ Lý Công Uẩn). Cảnh đấu võ mang hơi hướng phim kiếm hiệp Hồng Kông, cảnh Lý Công Uẩn bắn mũi tên chẻ đôi mũi tên của Hắc Đạo (hơi cũ kỹ!), Lý Công Uẩn phi thân, Lý Công Uẩn phá trận đồ bát quái cũng sẽ rất khó thực hiện. Thực hiện như thế nào để người xem không khỏi chạnh lòng trước trình độ thực hiện kỹ xảo và chỉ đạo võ thuật của chúng ta là điều rất đáng được cân nhắc. Tốn kém để có một bộ phim hay thì chắc chắn rằng Nhà nước không ngại, nhưng chỉ sợ rằng tốn kém mà vẫn không làm người xem hài lòng.

Điều thứ hai dễ khiến người đọc kịch bản băn khoăn là hình tượng Lý Công Uẩn được xây dựng trong phim còn khá sơ sài, chưa có nhiều chi tiết, tình huống thể hiện tính cách, tài năng, sự anh minh, dũng lược của ông. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc góp ý: "Ở đây Lý Công Uẩn mới chỉ là một võ tướng, một võ sĩ dù võ thuật phi phàm cũng không hơn Võ Tòng hay Triển Chiêu trong phim Tàu...". Nhà sử học Lê Văn Lan nhận xét: "Sự nghiệp và nhân cách lớn lao của ông vua này được thể hiện chủ yếu ở thời gian 1010-1028. Nhưng toàn bộ nội dung kịch bản lại dừng ở 1010". Bên cạnh đó, các nhân vật có ảnh hưởng rất quan trọng đối với nhân cách và sự nghiệp của Lý Công Uẩn như thiền sư Khánh Văn, quốc sư Vạn Hạnh cũng chưa được khắc họa một cách sinh động. Cái "cẩm nang" của Vạn Hạnh giúp Lý Công Uẩn thoát chết trong tay bọn Long Đĩnh cũng chưa khiến người đọc tâm phục khẩu phục.

Thứ ba, kịch bản sử dụng quá nhiều thủ pháp "lời dẫn chuyện". Nếu như phim được dựng như kịch bản, thì không dưới 3 lần người xem sẽ nghe thấy một giọng đọc "trầm ấm" nào đó cất lên trong lúc trên màn ảnh hiện ra một số hình ảnh minh họa "đại diện". Mà những lúc dẫn chuyện này toàn gắn với những biến cố hết sức quan trọng trong lịch sử lẫn trong cuộc đời Lý Công Uẩn, và nếu được khai thác tốt thì chính những biến cố này sẽ làm sáng lên tài trí của Lý Công Uẩn. Tiếc thay... NSND Lê Đăng Thực đã nhận xét rất đúng rằng: "Cách làm này đã tước bỏ khả năng đặc thù của điện ảnh là kể chuyện bằng hình ảnh để tác động trực tiếp đến người xem. Lẽ ra những đoạn truyện này phải được thể hiện bằng hình ảnh có tổ chức mang tính kịch cho người xem theo dõi". Đối thoại trong kịch bản cũng vậy, nhiều đoạn thừa nhưng... vẫn không thể thiếu, vì tác giả đã dùng đối thoại giữa các nhân vật phụ để nêu lên những phẩm chất cao quý của nhân vật chính, chứ những phẩm chất này không được cụ thể hóa qua hành động có thể thấy được bằng hình ảnh của nhân vật ấy.

Mặt khác, kịch bản cũng đã bộc lộ một số sơ sót về mặt cứ liệu lịch sử. "Năm cuối đời của Long Đĩnh phải là khoảng 1008, 1009, lúc đó Dương Thái hậu đã chết từ lâu, làm sao Thái hậu còn can thiệp vào sự kiện được" (Nguyễn Vinh Phúc). "Lý Công Uẩn chưa bao giờ làm quan dưới thời Lê Đại Hành, cũng không bao giờ được chức "Điện tiền tướng quân" vào thời đó cả, vì thế không thể mặc "võ phục trắng" mà xuất hiện và thi đấu đủ kiểu võ hiệp vào lúc Lê Đại Hành còn sống, thậm chí còn chưa chọn con nào để truyền ngôi được. Tác giả tỏ ra không hiểu gì về chế độ quan chức thế kỷ 10 cả, cho nên mới viết là Lý Công Uẩn được "thăng chức" từ "Điện tiền tướng quân" lên chức "Tứ sương quân phó chỉ huy sứ" (!), rồi lại đứng ra "điều" một chức quan chuyên bảo vệ kinh đô - triều đình như thế đi khỏi Hoa Lư mà dẹp giặc "Man Cử Long"... Còn cái ông Nguyễn Đệ thì nguyên mẫu ngang hàng, thậm chí nhỉnh hơn Lý Công Uẩn với chức đích thực là "Hữu điện tiền chỉ huy sứ" thì lại trở thành "phó tướng" của Lý Công Uẩn, thậm chí đem thân mình chắn tên mà hy sinh vì Lý Công Uẩn, trong khi ông này, lúc Long Đĩnh chết rồi vẫn sống nguyên, sống cùng Lý Công Uẩn mà đem 500 quân Tùy Long vào cung làm tứ vệ" (nhà sử học Lê Văn Lan).

Theo dự kiến năm nay bộ phim sẽ được khởi quay, song cho đến lúc này kịch bản Thái Tổ Lý Công Uẩn vẫn được gửi tới một số đạo diễn mà theo Ban chỉ đạo sản xuất phim là có khả năng đảm đương việc làm phim để các đạo diễn này viết kịch bản phân cảnh, rồi ban chỉ đạo sẽ xem xét các kịch bản phân cảnh để quyết định "giao Lý Thái Tổ" cho ai. Mong rằng những khiếm khuyết trong kịch bản sẽ được các đạo diễn cân nhắc thật kỹ để "tái tạo kịch bản văn học, nâng tầm kịch bản văn học và thể hiện tính khả thi của kịch bản" (Báo Gia đình và xã hội) như mong muốn của Ban Chỉ đạo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, và cũng là mong muốn của dư luận.

Phạm Thu Nga

Các ý kiến in nghiêng là nhận xét của các nghệ sĩ, chuyên gia về kịch bản Thái Tổ Lý Công Uẩn được gửi đến một số đạo diễn được Ban chỉ đạo sản xuất phim mời viết kịch bản phân cảnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.