Năm 2014, sau khi tốt nghiệp đại học tại Singapore, anh Cương về Việt Nam làm cho công ty nước ngoài. Được 2 năm, công việc đang “thuận buồm xuôi gió”, tình yêu với nông sản truyền thống và khát khao làm nông luôn âm ỉ đã thôi thúc anh về quê nhà Thanh Hóa khởi nghiệp.
Năm 2019, ớt ở quê anh mọc đầy đồng nhưng không ai thu hái. Hỏi mới biết vì Trung Quốc đóng biên nên ớt rớt giá mạnh và khiến thương lái ngừng mua.
Anh kể thêm: “Trong một lần ăn cỗ, tôi thấy cháu mình đã dùng nước chấm là tương ớt công nghiệp. Lúc này tôi mới để ý gia vị quen thuộc trong gian bếp người Việt giờ đây gần như là sản phẩm nhân tạo chứ không thuần tự nhiên nữa. Rồi tôi nảy ra ý định làm tương ớt cổ truyền như một cách giúp cho truyền thống không bị mai một”.
Anh Cương hy vọng tương ớt cổ truyền của mình có thể vươn ra thị trường quốc tế |
H.K |
Nghĩ vậy, chàng trai xứ Thanh đã xin đem về nhà những cây ớt bị bỏ đi. Song song đó, anh bỏ công tìm tòi, nghiên cứu cách làm tương ớt truyền thống. Điều khiến anh lưu tâm là làm sao để bào chế ra sản phẩm phù hợp với khẩu vị người dùng ở từng vùng miền riêng biệt.
Trong 4 tháng thử nghiệm, anh đã có 47 mẫu thất bại, nhiều mẻ ớt lên đến vài tạ cũng đành bỏ đi. Sang đến tháng 1.2020, anh đem tặng sản phẩm của mình cho một số người dùng thử và nhận được phản hồi tốt. Từ đó, anh bắt tay vào xây dựng thương hiệu tương ớt bằng việc cải tạo nhà kho bị bỏ hoang thành xưởng chế biến nhỏ và dùng 45 triệu đồng tiền tích cóp để mua máy xay nhuyễn.
Vì phân khúc khách hàng là cộng đồng ăn sạch sống xanh, anh Cương không chọn hướng cạnh tranh với các hãng công nghiệp mà kiên định với nguyên tắc “3 không”: không dùng chất bảo quản, không hương liệu nhân tạo, không biến đổi gien.
“Ớt sau khi thu về sẽ được rửa sạch, ngắt cuống, xay nhuyễn rồi ủ men trong chum kín với nước lọc đã thanh trùng trong vòng 3 - 6 tháng. Sau đó, tôi sử dụng phương pháp hấp tiệt trùng để tương ớt hoàn toàn vô khuẩn. Phải kiểm soát được quá trình lên men, nếu không thì cứ ủ 100 mẻ là đã có 10 - 15 mẻ bị hỏng”, anh Cương nói và khẳng định đây là công đoạn quan trọng nhất. Đồng thời, nhận thấy thực trạng tương ớt bẩn tràn lan được sản xuất trong can nhựa, anh đã chọn chum sành truyền thống được nhập từ làng nghề Phù Lãng (Bắc Ninh) để ủ men.
Anh sử dụng ớt sừng trâu và ớt chỉ thiên để phối trộn vị thành các cấp độ cay khác nhau. Ngoài ra, anh còn có sản phẩm tương ớt dành riêng cho người ăn chay và trẻ em.
Để tăng hiệu quả kinh tế cho ớt quê nhà, anh Cương cho ra đời thêm một số sản phẩm như tương cà chua, sa tế ớt tỏi, nước chấm hải sản. Đồng thời, anh xây dựng vùng liên kết với 4 hộ tại các tỉnh Thiệu Hóa, Đông Sơn, Hoằng Hóa để tạo thành hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, giúp người dân địa phương ổn định đầu ra và không để ruộng đất bị bỏ hoang.
Bằng tâm huyết với con đường khởi nghiệp xanh, sản phẩm của anh đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, năm 2021, dự án tương ớt cổ truyền của anh đã giành giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 7.
Sản phẩm của anh Cương giờ đây đã được bày bán trong các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Nhờ uy tín sản phẩm cũng như đẩy mạnh việc mở rộng thị trường, đã mang về cho anh doanh thu hơn 100 triệu đồng/tháng.
Bình luận (0)